THƯ GỬI THỦ TƯỚNG VỀ VỤ ÁN ĐỒNG TÂM
Tô Văn Trường
Kính gửi: Anh Bảy Phúc
Sau phiên tòa sơ thẩm vụ Đồng Tâm, trên mạng xã hội như có đợt “sóng
gầm” nhiều người dân công khai phản ứng mạnh mẽ cho rằng các cơ quan pháp luật
đã phạm sai lầm nghiêm trọng dùng cường quyền để trị dân. Nếu tuân thủ quy định
của Đảng và luật pháp thì hậu quả sẽ không nặng nề như vậy.
Tôi xuất thân từ gia đình nông dân ở vùng quê nghèo khó Thái Bình. Gia
đình tôi, nhiều bà con ruột thịt tham gia lực lượng vũ trang cả bên quân đội và
công an từ thời chống Pháp, chống Mỹ nên khi thấy 4 đồng chí là cụ Kình và 3
chiến sĩ công an hy sinh trong thời bình rất đau buồn, day dứt vì nỗi đau này,
chẳng phải của riêng ai.
Để tường minh trước công luận, Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân,
dưới góc nhìn của người làm công tác khoa học khách quan, trung thực, và nhà
báo độc lập, tôi viết thư này để Anh Bảy có thêm thông tin xem xét, tham khảo:
1. Phiên tòa xét xử vụ án ở Đồng Tâm thu hút sự quan tâm rất rộng lớn
của người dân và của nhiều nước phương Tây. Xét xử thiếu công tâm sẽ đem lại
hậu quả rất lớn. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo cấp cao (Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Quốc hội).
2. Nhiều thủ tục pháp lý không được thực hiện đầy đủ ở phiên tòa sơ
thẩm. Lẽ ra vụ tranh chấp đất đai này nên đưa ra toà hành chính xét xử theo đơn
kiện của dân làng Đồng Tâm đối với kết luận của thanh tra Hà nội và Thanh tra
Chính phủ. Khi toà xử mà cụ Kình thua kiện thì tổ chức kiểm điểm trong chi bộ
và cấp ủy địa phương, làm rõ khuyết điểm của cụ Kình, thậm chí kỷ luật khai trừ
Đảng. Sau đó, nếu không thuyết phục được thì khởi tố vụ án, có thể bắt giam khi
có bằng chứng tàng trữ vũ khí nhưng phải có phê chuẩn của Viện kiểm sát, phải
bắt giữ đúng pháp luật: công bố lệnh bắt giữ có sự chứng kiến của hàng xóm và
chính quyền địa phương và bắt giữ vào ban ngày. Tôi tin là dù có chống đối thì
mấy ông bà nông dân cũng không thể giết được cảnh sát. Và như thế không có ai
phải chết. Gia đình cụ Kình không phải chịu án tru di tam tộc thảm khốc thế
này. Thực sự tệ hại khi có một kế hoạch tấn công Đồng Tâm vào ban đêm, trong
khi chưa làm bất kỳ việc gì như trên.
3. Để phiên tòa phúc thẩm khắc phục được hạn chế của phiên tòa sơ thẩm,
cần:
- Xác định đúng mục tiêu của phiên tòa: Tòa xét xử người có tội theo
đúng pháp luật; không phải để “làm gương” nhằm dập tắt những hành vi phản kháng
trong tương lai về đất đai.
- Nghiên cứu bản án về hành vi giết người ở Nọc Nạn thời Pháp thuộc. Tòa
án XHCN không thể kém nhân văn hơn tòa án thực dân.
- Cho điều tra lại. Nếu một số người dân có hành vi giết người thi hành
công vụ thì điều đó phải được chứng minh một cách thuyết phục.
- Cần làm rõ các câu hỏi về nguyên nhân xảy ra sự viêc: Vì sao đất nông
nghiệp đã giao cho Bộ Quốc phòng nhiều năm nhưng không triển khai như nhiệm vụ
đặt ra? Khi người dân đòi đất, vì sao không đưa ra bản đồ thuyết phục? Vì sao
không tiếp tục đối thoại sau khi Chủ tịch UBND Hà Nội có cam kết với dân Đồng
Tâm?
- Các câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc trấn áp : Căn cứ vào đâu? Tại
sao trả lời của Bộ Công an thay đổi lý do đến 3 lần? (lần đầu là bảo vệ mục
tiêu xây dựng hàng rào đất sân bay Miếu Môn cách làng Hoành 3 km; lần 2 nói là
đi tuần tra bị tấn công; lần 3 là bảo vệ chốt …)
- Những câu hỏi điều tra hiện trường: Rất nhiều ý kiến cho rằng việc 3
chiến sĩ cùng rơi xuống giếng trời là vô lý; việc đổ xăng vào hố để đốt 3 chiến
sĩ càng không thuyết phục được dư luận.
- Xin lưu ý: Việc hành quyết cụ Kình tại nhà riêng, sau đó mổ xác chính
là điểm bức xúc cao độ của dư luận trong và ngoài nước, rất nhạy cảm trong thời
điểm hiện nay. Huống chi ngay cả khi cụ Kình phạm tội với hình phạt cao nhất,
thì theo quy định tại tiết b, khoản 3, Điều 40 của Bộ luật Hình sự, thì người
từ 75 tuổi trở lên không bị thi hành án tử
hình.
- Phiên tòa cần thực hiện tranh tụng thật sự, bảo đảm dân chủ. Cần thực
hiện đúng các nguyên tắc xét xử “suy đoán vô tội”, “trọng chứng hơn trọng
cung”. Tuyệt đối không được dùng nhục hình để ép cung.
- Thận trọng trong việc kết án tử hình; nếu không chứng minh được tội
giết người một cách chắc chắn thì không thể kết án tử hình.
4. Để hạn chế tái diễn những vụ việc giống như ở Đồng Tâm, cần:
- Rút kinh nghiệm từ việc giải quyết sự kiện bạo động ở Thái Bình 1997,
có cách giải quyết hợp lý, hợp tình “mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”.
- Sửa đổi Luật Đất đai theo hướng công nhận quyền sở hữu đất đai của
người dân theo hạn điền. Đây là gốc gác của vấn đề, đang là nhân tố phá hoại
khốc liệt nhất thể chế chính trị hiện hành về mọi mặt.
- Khắc phục trên các phương diện chính trị, pháp lý và truyền
thông.
Cần nói thêm là sự sụp đổ của Rumani và cái chết thảm của vợ chồng
Ceaucescu cũng khởi đầu từ việc cho cảnh sát bắn chết một linh mục có uy tín và
thuộc phe đối lập. Không biết có ai liên tưởng đến bài học Rumani không?
Những người am hiểu nội tình của đất nước có chung nhận định không nên
lan truyền những điều dự đoán tốt đẹp về ai đó, hoặc những điều đổ lỗi cho
người này, người khác trong bộ máy. Ban lãnh đạo cao nhất của đất nước có trách
nhiệm cao nhất và phải đích thân đứng ra chỉ đạo xử lý vụ này, sao cho đỡ tệ
hại nhất vì mất lòng dân là mất tất cả.
Kính chúc Anh Bảy luôn mạnh khỏe và mọi sự tốt lành.
Kính
Tô Văn Trường
No comments:
Post a Comment