Phan An
Về Donald Trump và cuộc bầu cử Mỹ
===
Tôi đi đó đi đây cũng đã được một thời gian. Bạn bè, đồng
nghiệp, người quen biết mang quốc tịch Mỹ và các nước khác cũng không phải là
ít. Trong số họ có người quan tâm đến chính trị như sinh mạng, có người chỉ thỉnh
thoảng chấm phá vài nét gọi là, nhưng, trừ những bạn bè trên Facebook mà tôi sẽ
bàn đến sau, tuyệt nhiên không có ai là không khinh bỉ Donald Trump hoặc ít nhất
là coi Trump như một trò hề. Điều này cũng dễ hiểu, vì Donald Trump, nói vắn tắt,
là một kẻ đáng khinh bỉ và là một trò hề của nước Mỹ và thế giới.
Nước Mỹ kể từ khi lập quốc đến nay chưa từng có một tổng thống
nào vô văn hoá, vô giáo dục, u mê trì độn mà lại huênh hoang khoác lác như
Donald Trump. Y ăn nói y hệt một thằng thất học, vốn từ của y nghèo nàn tới mức
thảm hại—kết quả phân tích cho thấy Donald Trump có khả năng ăn nói ngang bằng
với một đứa bé tám tuổi. Từ dài nhất mà y nhớ được và phát âm đúng được có lẽ
là “tremendous,” và cũng có lẽ vì thế mà y dùng từ này luôn mồm, kết hợp với những
từ ngữ đậm chất bác học như “smart,” “really smart,” “sad,” “very sad,”
“momemtum,” “covfefe,” và tất nhiên là “bing bíng bing.” Đến một mức độ, người
ta nghi ngờ là y bị một dạng bệnh thần kinh, kiểu tâm thần hoang tưởng chẳng hạn,
nếu không phải là bị nhiều bệnh cùng một lúc. Việc y suốt ngày gào thét trên
Twitter là một triệu chứng điển hình—có lần công ty tôi, gồm người Mỹ, người
Anh, người Canada, người Áo, người Trung Quốc, người Brazil, vì muốn kiếm chuyện
để cười trong giờ ăn trưa, đã mở Twitter của Trump ra và theo dõi: Y đăng liên
tục trong vòng 30 phút, mỗi tweet cách nhau chừng 30 giây, rặt những điều vô
nghĩa nhảm nhí. Một người có chút trí khôn ắt sẽ đặt ra câu hỏi: Vậy y lấy đâu
ra thời gian để làm việc? Ai làm việc trí óc cũng đều biết, mức độ tập trung có
quan hệ mật thiết với năng suất. Không cần đến một tweet mỗi 30 giây, chỉ cần cứ
mỗi mười lăm hai mươi phút anh nghía qua Facebook một lần, bảo đảm hiệu quả
công việc của anh giảm thấy rõ, và nếu anh ở một nước như nước Đức thì chẳng
chóng thì chầy bộ phận nhân sự sẽ thảy trát vào mặt anh và anh phải liệu đường
đăng kí thất nghiệp với sở lao động ngay tút xuỵt. Đằng này Trump lại là tổng
thống Mỹ, công việc được đánh giá là căng thẳng nhất thế giới, rút ngắn tuổi thọ
gần 3 năm và tăng rủi ro chết bất đắc kì tử 23%.
Và sự thật là Trump hầu như chẳng làm một việc gì ra hồn trừ
đánh golf và chải đầu. Gần như toàn bộ những “thành tựu” mà Trump và chính phủ
của y tung hê lên như tỉ lệ thất nghiệp giảm, thuế giảm, hoà bình ở Trung Đông,
ngoại giao với Bắc Triều Tiên, chiến tranh thương mại với Trung Quốc… tôi sẽ
không phân tích tại sao đều là dối trá lật lọng hoặc phóng đại trơ trẽn, vì
Google vẫn còn chưa tính phí đâu, chỉ cần các bạn dẹp bỏ thiên kiến xác nhận
(confirmation bias) và chịu khó đọc tiếng nước ngoài một chút là được—và nhân
tiện thì dẹp luôn cái tư tưởng “báo chí fake news, báo chí thiên tả, báo chí
đánh Trump” sang một bên, vì nếu thật sự ai cũng đánh ông thì nên chăng ông
nhìn lại bản thân ông một chút. Nếu các bạn không làm được việc này mà chỉ chăm
chăm đi đọc mấy bài thổ tả trên Facebook của mấy tài khoản nghìn like thì các bạn
đơn giản là đà điểu chui cát hoặc bưng tai trộm chuông, chẳng những tôi không
lay chuyển gì được các bạn mà đến bố mẹ thầy cô và mái trường xã hội chủ nghĩa
cũng bó tay với các bạn mà thôi.
Trong khi đó, lại không thể kể hết những sự dốt nát và đốn mạt
của Trump, không chỉ là ở cương vị một tổng thống, một chính trị gia, mà còn là
ở phương diện con người. Từ những vụ “grab them by the pussy,” nhạo báng người
tàn tật, khoe khoang việc dụ dỗ người đã đã có chồng, tơ tưởng đến cả con gái
ruột, khinh rẻ phụ nữ, tự làm mất thể diện trong các hội nghị quốc tế, đến việc
y luôn mồm gọi người khác bằng biệt danh như một đứa con nít bảy tuổi—Crooked
Hillary, Slow Joe, Phony Kamala, Fat Jerry, Cheating Obama… có cả một trang
Wikipedia dành cho những biệt danh này, đến việc y không tin vào sự biến đổi
khí hậu kiểu “Trời lạnh vầy sao lại có nóng lên toàn cầu được” và liên tục công
kích Greta Thunberg, một nhà hoạt động môi trường mới 16 tuổi, tức là hơn con
trai út của y 3 tuổi, rồi đến việc y ban đầu không tin có thứ gọi là Covid, sau
lại đòi tiêm thuốc khử trùng vào cơ thể người để chữa Covid, sau rốt lại mắc
Covid. Nghiêm trọng hơn, Trump là một kẻ phân biệt chủng tộc, ủng hộ thuyết da
trắng thượng đẳng. Gần đây nhất, trong cuộc tranh luận với Joe Biden, khi được
hỏi về lập trường đối với Proud Boys (tổ chức cực hữu phát xít mới ở Mỹ và
Canada), Trump đã tuyên bố “Proud Boys, stand back and stand by”—“lùi lại một
bước và sẵn sàng hành động.” Joe Biggs, một trong những thành viên lãnh đạo của
Proud Boys, đã ngay lập tức đưa “Stand back” và “Stand by” vào logo của tổ chức
trên các mạng xã hội một cách đầy tự hào, và số thành viên của Proud Boys trên
Telegram tăng gần 10%. Chỉ cần có chút kiến thức căn bản về Nazi và neo-Nazi,
các bạn sẽ thấy việc này đáng ghê tởm—và đáng sợ—đến thế nào.
Không một ai trong xã hội loài người tiến bộ, ở bất kì đâu
trên thế giới, nếu còn chút lương tri và nhân phẩm, lại có thể cuồng Trump.
Tôi đi đó đi đây cũng đã được một thời gian. Bạn bè, đồng
nghiệp, người quen biết mang quốc tịch Mỹ và các nước khác cũng không phải là
ít. Mấy năm nay ngoài Facebook, tôi còn có một tài khoản Twitter, nơi tôi quan
sát và học hỏi những người giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực của tôi và một số
lĩnh vực khác. Không một ai trong số họ là không khinh bỉ và ghê tởm Trump. Những
người Đức, người Áo thấy cái thuyết da trắng thượng đẳng trong y mà lo sợ giùm
cho nước Mỹ và thế giới, còn những người Mỹ thì vừa căm phẫn vừa xấu hổ vừa đau
đớn vì nước mình đã bầu lên một tay tổng thống như Trump, vì tương lai của họ
và con cháu họ lại rơi vào tay một kẻ tởm lợm như Trump. Từ cả tháng nay, những
người Mỹ bạn tôi và trên Twitter của tôi liên tục nhắc nhau đi bầu. Hai ngày
nay, họ theo dõi cuộc chiến sít sao giữa Trump và Biden mà run lẩy bẩy. Tôi
không nói quá. Họ run lẩy bẩy vì lo sợ, vì sự tuyệt vọng bao trùm lấy họ, vì đã
có những lúc Trump gần như nắm chắc phần thắng. Họ cũng run vì tức giận khi thấy
người dân nước họ, sau một nhiệm kì đầy thất bại và bao nhiêu lần chứng kiến thực
mục sự đểu cáng khốn nạn của Trump, vẫn còn tiếp tục bầu cho y. Họ tìm cách kêu
gọi nhau, an ủi nhau, nhắc nhau cố gắng vững vàng. Tôi nhìn họ mà thương, mặc
dù chuyện bầu cử ở Mỹ, công bằng mà nói đối với tôi không có liên quan gì trực
tiếp. Tất cả những điều này, các bạn ở trên Facebook, ở trong nước, cắm đầu đọc
những bài viết sặc mùi xảo biện của bọn bồi bút ngàn like, sẽ không thấy được.
Theo như tôi thấy, người Việt Nam ta ủng hộ Trump vì hai lí
do.
Lí do thứ nhất là, theo ý họ, Trump chống Trung Quốc, ghét
Trung Cộng. Kẻ thù của kẻ thù là bạn, nếu Trump làm Trung Quốc suy yếu thì Việt
Nam có thể thừa cơ thoát khỏi sự kìm hãm của Trung Cộng, đòi lại được đảo,
giành lại được biên giới, giàu mạnh lên sánh vai với các siêu cường. Giấc mộng
này thật quá sức khôi hài, nếu không muốn nói là mang đậm tinh thần nhược tiểu
thảm hại. Vì đơn giản, Trump không hề chống Trung Quốc, không hề chống cộng.
Trump cũng không vì lợi ích tiên quyết của nước Mỹ nốt. Trump đơn giản là không
biết và không theo bất kì khuôn khổ phép tắc gì. Nếu coi những quyết sách ngoại
giao và thương mại đối đầu giữa hai quốc gia là chống, thì trên hết là Trump chống
cả châu Âu, cả Canada, những đồng minh lâu đời của Mỹ. Việc Trump gây hấn với
các nước này thật ra lại làm cho liên minh Âu-Mỹ yếu đi, giúp Trung Quốc mạnh
lên. Chính người Trung Quốc đang muốn Trump thắng cử, vì sự chia rẽ của các cường
quốc và trong chính nội bộ nước Mỹ mang lại không gì khác hơn là lợi ích cả về
trước mắt và lâu dài cho Trung Quốc. Muốn Việt Nam thoát khỏi Trung Quốc mà
phát triển, con đường đúng đắn nhất là tự lực cánh sinh chứ không thể là ngồi
nghếch mồm trông đợi Mỹ hay tin tưởng Mỹ. Rất lạ là, chính những người Việt Nam
ở hải ngoại, những người bị đồng minh Mỹ phản bội năm 1972, những người vì đó
mà phải sống kiếp lưu vong, lại là những người quên bài học này đầu tiên và tin
tưởng vào trận chiến Trump-Cộng hơn ai hết.
Lí do thứ hai là không ít người Việt Nam, ngay cả những người
trẻ tuổi, thích cái “chất ngang tàng,” cái “bản lĩnh,” cái “khí phách,” cái
“thích gì làm nấy” của Trump. Lí do này ban đầu làm tôi khá ngạc nhiên, nhưng
càng về sau lại càng thấy là một lẽ dĩ nhiên. Chúng ta luôn có cái tinh thần Á
Đông kiểu vậy, lúc nào cũng thích Kiều Phong, Trương Phi, Lý Quỳ, Lục Vân Tiên,
Trương Sỏi, Lý Đại Bàng, những người đầu đội trời chân đạp đất, ăn sóng nói
gió, đôi khi có thêm phần bỗ bã. Vấn đề là, Trump hoàn toàn không phải là một
người như vậy. Y không ngang tàng, mà y ngang ngược. Y không có bản lĩnh, y hèn
nhát đùn đẩy trách nhiệm, câu cửa miệng của y là “I never said that,” y chui xuống
hầm Nhà Trắng để trốn khi người ta biểu tình bên ngoài. Y không ăn sóng nói gió
mà là y ăn không nói có, y bịa chuyện dựng đứng lên, tới mức độ người ta sản xuất
cả một loại dép đi trong nhà xí bán khá chạy, chiếc bên trái trích lời y hôm
trước, chiếc bên phải lại trích lời y hôm nay, hai chiếc để cạnh nhau cứ chọi
nhau chan chát. Cái bỗ bã bình dân của y, như tôi nhắc đến ở trên, không phải
là vì y bình dân gần gũi, mà đơn giản là vì vốn từ và phông văn hóa của y không
cho phép y nói gì cho được thanh nhã lịch sự. Ca ngợi Trump ngang tàng, bản
lĩnh, khí phách cũng giống như ca ngợi một thằng lưu manh phá làng phá xóm, bắt
gà trộm chó là khí phách, bản lĩnh, ngang tàng.
Những người ủng hộ Trump mà tôi từng thấy, chứ không phải gặp,
có hai loại. Loại thứ nhất là trên tivi hoặc YouTube, đại để những thành phần đội
mũ đỏ “Make America Great Again,” nhìn mặt đần thối đần nát, kì thị tôn giáo,
kì thị giới tính, kì thị chủng tộc, đổ trách nhiệm của vụ khủng bố 11/9 lên đầu
Obama mặc dù tất nhiên là ông này nhậm chức vào năm 2009. Loại này người ta hay
bỏ vào mấy cái clip chọc cười thiên hạ đăng đầy trên YouTube. Loại thứ hai là
trên Facebook, bao gồm người Việt trong nước và người Việt hải ngoại, như đã
nói ở trên, trong số đó không ít người là trí thức và một số còn là bạn bè tôi
ngoài đời. Tôi sẽ nói thẳng ở đây mà không sợ mất bạn—vì nếu là bạn thật thì ắt
cũng đã biết tính tôi ưa nói thẳng: Đây là loại ếch ngồi đáy giếng. Người trong
nước ngồi đáy giếng đã đành một lẽ, đến người Việt hải ngoại cũng ngồi đáy giếng
nốt, tại vì sao? Tại vì họ, mang tiếng là ở nước Mỹ, cũng chỉ quanh quẩn trong
cái cộng đồng hải ngoại chống cộng của họ—cứ xem họ nói và hát tiếng Anh thì
rõ. Các luận điểm của họ mặc dù có thể nghe rất rổn rẻng song lại nồng nặc mùi
giếng, thể hiện một cái nhìn phiến diện hạn hẹp và một đầu óc già cỗi, bảo thủ,
nếu không phải là rất kém thông minh.
Khi tôi viết những dòng này thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kì thứ 46 vẫn chưa ngã ngũ. Tôi không biết ai sẽ giành thắng lợi. Thật ra mà nói, tôi cũng không quan tâm đến nước Mỹ cho lắm. Nhưng tôi hi vọng Trump sẽ thua. Đây không cần phải là chính trị, đây có thể đơn thuần chỉ là sự căm ghét của cá nhân tôi đối với một thành phần mà sự thật tôi cũng không biết trong tiếng Việt nên gọi là gì cho phải. Ti tiện? Thổ tả? Quái thai? Trong cái thế giới mà tôi muốn sống, thành phần đó không nên tồn tại, và càng không nên tồn tại với vai trò là tổng thống của một nước lớn. Tất nhiên sẽ có người cuồng Trump vào bẻ tôi “Nếu Trump tồi bại như những điều anh nói, tại sao vẫn được gần 50% phiếu bầu? Tại sao gần một nửa nước Mỹ vẫn tin tưởng ở Trump? Anh nghĩ anh giỏi hơn, anh khôn hơn, anh thông minh hơn 50% dân Mỹ sao?” Câu trả lời của tôi hết sức đơn giản: Đúng là tôi giỏi hơn, khôn hơn, và thông minh hơn 50% dân Mỹ thật. Đó là điều đương nhiên. Một người có chỉ số trí tuệ trung bình là đã thông minh hơn 50% thế giới rồi. Nếu các bạn lấy con số ấy và đám đông ấy ra để làm luận cứ phản bác, các bạn không thắng được tôi đâu. Nên nhớ rằng cái chính thể mà các bạn chán ngán và căm ghét hằng ngày, một lúc nào đó trong lịch sử đã từng được hơn 90% dân chúng ủng hộ và tham gia cái gọi là “bạo lực cách mạng” để rồi có một ngày như hôm nay, khi không một ai quan tâm đến bầu cử trong nước mà chỉ quan tâm đến bầu cử đâu đâu bên Mỹ. Việc gần 50% người dân Mỹ bầu cho Trump và hầu như toàn bộ Facebook của tôi tôn sùng Trump, ngay cả việc Trump chiến thắng nếu điều đó xảy ra, đối với tôi và bạn bè tôi mà nói, chỉ có nghĩa là thế giới này chưa tốt đẹp hay tiến bộ đến như chúng ta vẫn tưởng, và rằng chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
No comments:
Post a Comment