Monday, August 22, 2022

Nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính (Ở hai đầu nổi nhớ)

 

Nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính, tác giả bài thơ nổi tiếng “Ở hai đầu nỗi nhớ” vừa qua đời lúc 9 giờ kém 15 phút sáng 9-5 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, hưởng thọ 60 tuổi.




Nhà báo - nhà thơ Trần Đình Chính (phải) trao bản quyền bài thơ cho ông Nguyễn Xuân Hàn - Ảnh tư liệu

Trao bản quyền bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớBài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ giá 300 triệu đồng

Tang lễ của ông bắt đầu vào hồi 11 giờ ngày 11-5, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Sáng tác không nhiều nhưng chỉ với bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" viết vào mùa hè năm 1980, đăng báo Nhân dân năm 1984, năm 1987 được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, tác giả Trần Đình Chính, bút danh Trần Hoài Thu đã xứng đáng đứng vào hàng ngũ những cây bút được nhiều người yêu thích.

“Đêm nghe tiếng mưa rơi

Đếm mấy triệu hạt rồi mà chưa vơi nỗi nhớ

Ở hai đầu nỗi nhớ

Yêu và thương sâu hơn

Ở hai đầu nỗi nhớ

Nghĩa tình đằm thắm hơn"

Nói về bài thơ nổi tiếng này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ghi nhận: Điểm đặc biệt của “Ở hai đầu nỗi nhớ” là càng trải qua thời gian càng có thêm nhiều người yêu mến. Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc của mình, “Ở hai đầu nỗi nhớ” là bài thơ, bài hát mà nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu yêu thích nhất.

Đánh giá về bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ”, khi còn sống nhà thơ Phạm Tiến Duật, nguyên Phó trưởng Ban đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam đã cho rằng: Bài thơ đã đạt đến đỉnh cao của "nghệ thuật sử dụng ngôn từ". Không ồn ào, không nỉ non, những từ ngữ trong sáng, mượt mà, bản thân nó đã toát lên vẻ thanh khiết của một mối tình. Bài thơ là tiếng nói đầy ắp yêu thương của tình yêu và nỗi nhớ.

Nhà báo Thép Mới đã từng viết: Đời mỗi người làm văn, làm thơ, làm báo cũng chỉ cần một tác phẩm như “Ở hai đầu nỗi nhớ” là đủ!

Bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" đã lập kỷ lục khi được mua bản quyền sử dụng bài thơ với giá 300 triệu đồng. Đây vẫn là bài thơ có giá kỷ lục tại Việt Nam đến thời điểm này. Tháng 4-2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học, Công nghệ) và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trao tặng kỷ lục "Bài thơ có giá bản quyền cao nhất Việt Nam" cho bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ". Đây là một trong 10 kỷ lục Việt Nam thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ vào năm 2013.

Nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính sinh năm 1955. Ông từng là bộ đội thông tin trong kháng chiến chống Mỹ, chiến đấu ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Sau chiến tranh, ông theo học và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội rồi trở thành phóng viên báo Nhân Dân - nơi ông đã làm việc 40 năm.

Những năm cuối đời, nhà báo, nhà thơ Trần Đình Chính bị mắc trọng bệnh và ông đã ra đi thanh thản bên người thân trong niềm thương tiếc khôn nguôi, trong nỗi nhớ giản dị và sâu lắng của nhiều bạn yêu thơ về những ca từ thật trữ tình và sâu lắng.

Ở hai đầu nỗi nhớ (*)

Có một không gian nào

Đo chiều dài nỗi nhớ

Có khoảng mênh mông nào

Sâu thẳm hơn tình thương

Anh đang ở Pai-lin

Rừng Khộp khô trong nắng

Thương em chiều mưa lạnh

Muốn gửi chút nắng hồng

Chào Phnom-Penh mến yêu

Sức vươn tràn dũng sĩ

Tạm biệt dòng Bốn mặt

Sóng đang hát đôi bờ

Ở đầu này nỗi nhớ

Anh mơ về bên em

Ngôi sao như xuống thấp

Cho ta gần nhau hơn

Ở đầu kia nỗi nhớ

Nằm đếm tiếng mưa rơi

Được mấy triệu hạt rồi

Mà chưa vơi nỗi nhớ

Ở hai đầu nỗi nhớ

Yêu và thương sâu hơn

Ở hai đầu nỗi nhớ

Nghĩa tình đằm thắm hơn

Trần Đình Chính

(*): Bài thơ được lấy lại từ trang web của Hội Nhà văn TP.HCM

Sunday, August 21, 2022

ABOUT TRUMP (again)

 

(một comment trên Hồn Việt TV ngày 8/17/2022)

Thuy Nguyen

 

Cali Today News – Tôi ở Mỹ khá lâu. Tôi luôn tự hào là người Mỹ, đi tới đâu tôi đều tự hào về điều này. Từ năm 2016 tới nay, niềm tự hào trong tôi ngày càng bị chao đảo. Từ bị shocked, kinh ngạc, cho tới phẩn nộ và đau buồn.

 

Tôi đọc nhiều, tranh luận khá nhiều với người Mỹ (Mỹ trắng, Mỹ đen) ở diễn đàn Yahoo, các trang báo Mỹ, và cả ở ngoài đời. Nhờ đó tôi hiểu phần nào người Mỹ trắng suy nghĩ thế nào, vì sao có phong trào cuồng Trump ở Mỹ. Càng hiểu, tôi càng đau lòng khi thấy người Việt Nam ở VN và người Mỹ gốc Việt lại đi theo đám đông Mỹ trắng này mặc dù tự chúng ta đang lấy tay tát vào mặt mình.

 

Những kẻ cơ hội chủ nghĩa, hùa theo đám đông lấy tiếng. Những người chạy theo đám đông để cảm thấy an toàn. Hai nhóm người này rất nhiều trong người Việt (cả trong và ngoài nước). Họ đóng vào lực lượng cuồng Trump một con số không nhỏ. Những kẻ chủ mưu giật dây để tạo sự rối loạn cộng đồng (nói thẳng ra là tụi dư luận viên của Trung Cộng và Việt Cộng) cũng không là con số nhỏ. Số còn lại là những chính trị gia đảng CH muốn giành lá phiếu. Những người này có chức phận trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Họ cũng chính là yếu tố khá tiên quyết cho phong trào cuồng Trump ở Hải Ngoại. Thành phần sau cùng tôi muốn nói tới là những người VN có lòng yêu nước VN và yêu cả nước Mỹ, nhưng họ đã chọn đi 1 con đường sai. Trong số những người này, nếu họ là trí thức thật sự thì tới giờ phút này, họ đã nhìn ra là không thể tiếp tục ủng hộ Trump. Còn những ai tới giờ phút này vẩn còn ủng hộ Trump thì tôi chỉ có thể nói là các bạn đã quá thiếu hiểu biết về xã hội. Tôi biết các bạn không chấp nhận mình sai. Càng không muốn nghe những gì tôi nói.

 

Tôi vào diễn đàn tranh luận từ năm 1995. Sau 15 năm, tôi từ bỏ giang hồ vì không muốn tranh luận nữa. Khi phong trào cuồng Trump nổ ra, tôi bắt đầu tranh luận lại. Tôi đã ngây thơ tin rằng từ từ rồi phong trào này sẽ chìm vào quên lãng. Sự thật, trong lòng nước Mỹ, những người Mỹ (đa số là Mỹ trắng theo Tin Lành) luôn âm ỉ nỗi nhức nhối của họ về những gì họ thấy nước Mỹ ngày nay. Ngày xưa, với người Mỹ, California là Miền Đất Hứa của người dân Mỹ. Thanh niên lớn lên đều ước mong lên đường tới California lập nghiệp. Bài hát nổi tiếng thập niên 60 tới giờ, không biết đã được mix lại không biết bao nhiêu lần “California Dreamin”. California mặt trời nắng ấm, bãi biển sóng tràn….trở thành đầu tàu của nước Mỹ về mọi phương diện từ nông nghiệp tới khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, điện ảnh, và cả chính trị. Thế nhưng, bây giờ ở California, toàn là nơi sinh sống của các sắc dân Mễ, Da Đen, Châu Á, Trung Đông,….người Mỹ trắng dọn đi từ từ vì giá cả quá cao, họ không chịu nổi. Người Mỹ trắng nhìn California như 1 nỗi nhức nhối. Và họ không muốn nước Mỹ “của họ” cũng trở thành như California.

 

Không những chỉ riêng California, tất cả tiểu bang giàu có thịnh vượng, tiên phong về các ngành công nghệ cao, đều trở thành nơi các sắc dân tụ về sinh sống, như Washington, New York, Virginia,… Bây giờ những tiểu bang mà người Mỹ trắng chiếm số đông đều là những bang nhỏ, chuyên về nông nghiệp như Iowa, Idaho,.. Người Mỹ trắng tuy chỉ tay chê cười các tiểu bang Dân Chủ này toàn tội ác, đời sống căng thẳng, dân ăn welfare, v.v…nhưng trong thâm tâm họ thật sự ganh tỵ và bất mãn với người ở các bang giàu có này. Người ở Texas ngày nay cười vào người ở California là bọn “dân chủ thổ tả” phải mua nhà giá cao, đời sống khó khăn nên đang dần moved về Texas ở. Trên thực tế, thuế nhà ở Texas quá cao, lương thì quá thấp, thời tiết thì không thể nào bì với California. Cho nên, với tất cả những nỗi bất mãn ngấm ngầm từ bấy lâu nay trong lòng, người Mỹ trắng muốn tìm thấy lại 1 nước Mỹ của họ. Không là 1 nước Mỹ của nhiều sắc dân như hiện nay. Đây chính là điều sâu thẳm trong trái tim họ.

 

Năm 2016, vì sao Trump thắng bà Clinton? Không phải vì Trump có tài năng đức độ gì hết. Trump khai bankruptcy 3 lần trong đời, trình độ chỉ có cái bằng cử nhân Kinh tế, lấy vợ 3 lần, chơi bời gái gú tùm lum…..nói chung là không được điểm nào cả. Thế nhưng, Trump đã bạo mồm bạo miệng chỉ thẳng vào sắc dân Mễ và nói: “Nếu tao làm tổng thống, tao sẽ cho xây bức tường biên giới để ngăn không cho bọn di dân lậu Mễ vào Mỹ. Tụi này toàn là đầu đường, xó chợ, đĩ điếm”. Trump đã đánh trúng vào tim đen người Mỹ da trắng. Trump đã nói lên nỗi “uất ức” mà họ đã ghim vào trong tim từ bấy lâu nay. Trump chính là thần thánh trong mắt họ. Đây là thực trạng nước Mỹ. Và điều đau lòng là người Việt Nam tự đứng vào hàng ngũ Mỹ trắng để chửi vào các sắc dân khác. Họ bào chữa rằng: “Ê, tao là di dân hơp pháp nha mày. Tao không có di dân lậu nha mày.” “Ê, tao là Việt Nam nha mày. Cúm Tàu là nói thằng Tàu thôi nha mày.”

 

Thật đáng buồn. “Nỗi đau” trong tim người Mỹ trắng không phải chỉ có di dân lậu Mể hay thăng Tàu cộng. Họ chỉ muốn Hoa Kỳ là 1 quốc gia Cộng Hòa theo nguyên tắc của niềm tin Tin Lành. Đây chính là điều sâu xa trong tim gan họ. Hãy đọc thật nhiều, tranh luận thật nhiều và nói chuyện thật nhiều với những người ủng hộ Trump (người Mỹ trắng) để các bạn hiểu điều tôi đang nói đúng hay sai.

 

Tôi viết bài này cho những ai đặt câu hỏi rằng “Nếu Trump sai thì tại sao rất nhiều người ủng hộ Trump, kể cả những nhà trí thức, thành phần lãnh đạo tôn giáo, các chính khách, v.v….?” Các bạn có bao giờ đọc lại lịch sử và đặt ra câu hỏi tại sao dân tộc Đức là 1 dân tộc thông minh, vậy mà rất nhiều người Đức, trong đó có cả những nhà trí thức, những vị chức sắc, những người có danh vọng, tiếng tăm,….lại đi ủng hộ Hitler không? Có bao giờ các bạn tự hỏi tại sao Lenin đánh đổ được Sa Hoàng, làm cuộc Cách Mạng Vô Sản ở nước Nga thành công không? Có bao giờ các bạn tự hỏi vì sao Mao Trạch Đông đã có thể đánh Tưởng Giới Thạch chạy dài ra Đài Loan không? Và có bao giờ các bạn tự hỏi vì sao Hồ Chí Minh đã giành được Miền Bắc, đưa tới chiến thắng Miền Nam sau này không? Tất cả chỉ bắt đầu bằng 1 điều tiên quyết nhất: các nhà chính trị đó đã đánh trúng vào tim đen của quần chúng đang khao khát 1 điều gì đó. Một khi quần chúng đã tin rằng “vị thánh sống” này chính là “cứu thế” của họ thì nói như Trump đã nói: “Nếu tôi bắn chết 1 người ngay giữa Đại Lộ Năm này (Fifth Avenue) thì người ta vẫn tin rằng tôi vô tội.” Điều Trump nói đã diễn tả tất cả hiện trạng thật của xã hội con người.

 

Thuy Nguyen

8/17/2022

Friday, August 19, 2022

BẠO CHÚA

 

 

BẠO CHÚA

Phạm Đình Trọng

18-08-2022   21:31

https://www.facebook.com/kesiviet/posts/pfbid021Ru6VP4EMz8XbCQGyxPjo2dhi1BHa9W9SZQWp4KNwEYksvTL2FgGatkXmwsYBXS2l

 

1.

Văn hoá là trí tuệ. Khoa học là khám phá, sáng tạo. Người thực sự có văn hoá không thể coi thường giá trị văn hoá, không thể coi thường sáng tạo nghệ thuật. Chỉ người ngu dốt, không thể tiếp nhận kiến thức văn hoá, văn hoá thực sự thấp kém mới rẻ rúng, coi thường giá trị văn hoá, mới ngạo mạn mang bạo lực quyền uy ra ứng xử với sáng tạo nghệ thuật.

 

Kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật chỉ vì một lỗi nhỏ xíu và rất thông thường về thủ tục hành chính là trưng bày tác phẩm nghệ thuật chưa trình báo để có giấy chấp thuận của cơ quan quản lí hoạt động văn hoá. Thứ quyền lực kí lệnh tiêu huỷ tác phậm nghệ thuật rõ ràng quá hợm quyền, quyền lực lấp đầy con người, choán hết cả con người. Chỉ có con người quyền lực. Không có con người văn hoá. Hoàn toàn trống vắng, thiếu hụt vốn văn hoá thường trực. Văn hoá thấp kém thảm hại mới coi thường, rẻ rúng giá trị nghệ thuật đến như vậy, coi tác phẩm nghệ thuật như rác rưởi tuỳ tiện tiêu huỷ!

 

Ông Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Chủ tịch thành Hồ, Dương Anh Đức kí lệnh tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật chỉ vì 29 tác phẩm trưng bày cho công chúng thưởng thức mà chưa đúng thủ tục hành chính thì chữ kí của ông Phó Giáo sư, ông Tiến sĩ là lời tố cáo đanh thép, là sự thú nhận xác đáng cái học hàm Phó Giáo sư, cái học vị Tiến sĩ chỉ là tờ giấy lộn, chỉ có danh Phó Giáo sư, Tiến sĩ mà không có thực nền tảng văn hoá, không có thực nhân cách văn hoá.

 

Chữ kí tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật đã phơi bày ra con người văn hoá trống rỗng ở con người có học hàm Phó Giáo sư, có học vị Tiến sĩ. Học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ là bằng cấp của người có học. Nhưng kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật thì chắc chắn là phẩm chất của người không học!

 

Ở thời loạn giá trị, mọi giá trị đều đảo lộn. Mọi bằng cấp đều mua được thì bằng cấp không thể là chứng chỉ trung thực của giá trị văn hoá. Không phải bằng cấp mà là ứng xử với giá trị văn hoá, ứng xử với sáng tạo nghệ thuật, ứng xử với con người mới là bằng chứng đích thực của một nhân cách văn hoá. Tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật bởi bất cứ lí do gì đều là ứng xử vô văn hoá.

 

2.

Ở thời xã hội không có dân chủ, người dân không có quyền con người, không có quyền công dân, không được tự do bầu chọn người thực sự đại diện cho người dân quản lí nhà nước và xã hội, mọi chức vụ có được không phải do đức độ, tài năng và trí tuệ mà chỉ là sự thoả thuận, chia chác, sắp đặt trong bóng tối, sau lưng người dân.

 

Ở thời loạn giá trị, mọi giá trị đều đảo lộn. Mọi bằng cấp đều mua được mới nảy nòi ra ông Phó Giáo sư Tiến sĩ kí lệnh tiên huỷ tác phẩm nghệ thuật.

 

Ở thời không có dân chủ, người dân không có quyền con người, không có quyền công dân, người dân không được làm chủ xã hội không được làm chủ đất nước mới nảy nòi ra ông Phó Chủ tịch thành phố phụ trách văn hoá mà kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật, tiêu huỷ giá trị văn hoá.

 

Nghệ thuật làm đẹp tâm hồn con người. Nghệ thuật thuộc phạm trù cái đẹp. Chỉ có tâm hồn tăm tối và độc ác mới run sợ và thù ghét cái đẹp. Chỉ có bạo chúa mới đủ tối tăm và độc ác tiêu huỷ cái đẹp. Kí lệnh tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật, ông phó chủ tịch thành phố lớn nhất nước đã hiện hình là một bạo chúa, một quan cai trị không được người dân trao quyền lực, không mang gương mặt văn hoá đất nước mà chỉ mang ý chí của bộ máy cai trị, chỉ là sự sắp đặt, chia phần chiếc ghế quyền lực áp đặt bộ máy cai trị lên đầu dân.

 

3.

Mảnh đất miền Nam là mảnh đất khai phá của những nghĩa khí và những tâm hồn rộng mở và bao dung. Có nghĩa khí mới sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách nghiệt ngã của miền đất hoang sơ của sức mạnh thiên nhiên và sức mạnh thú rừng. Có rộng mở mới đi đến cùng trời cuối đất. Có bao dung mới chấp nhận mọi cá tính con người, những kẻ lạc loài cùng khai phá miền đất mới và dung nạp, hài hoà với những giá trị văn hoá của cộng đồng xa lạ.

 

Miền Nam là đất nghĩa khí và bao dung thì Sài Gòn là nơi hội tụ của nghĩa khí và bao dung. Nghĩa khí và bao dung làm nên cá tính con người miền Nam, con người Sài Gòn. Nghĩa khí và bao dung cũng làm nên nghệ thuật miền Nam, nghệ thuật Sài Gòn.

 

Có chính trị cực đoan, độc tài nhưng nghệ thuật không thể cực đoan, độc tài, không thể độc tôn một phong cách nghệ thuật. Độc tôn một phong cách nghệ thuật là giết chết nghệ thật. Một thời các nước xã hội chủ nghĩa độc tôn phong cách nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa đã dẫn nghệ thuật xã hội chủ nghĩa chui vào ngõ cụt, mất trắng gần một thế kỉ không có thành tựu nghệ thuật, huỷ hoại nhiều thế hệ nghệ sĩ. Những tài năng lớn phải né tránh hiện thực xã hội chủ nghĩa mới có tác phẩm đóng góp cho kho tàng văn hoá nhân loại.

 

Có cực đoan, độc tài chính trị mới có thảm hoạ cải cách ruộng đất, thảm hoạ cải tạo tư sản, thảm hoạ Nhân Văn Giai Phẩm. Quyền lực kí lệnh tiêu huỷ 29 tác phẩm nghệ thuật là sự tái hiện của quyền lực đấu tố địa chủ, đấu tố tư sản, đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm ở những năm tháng ngột ngạt, đen tối, bạo lực tràn lan, xã hội ai oán trong bạo lực cách mạng và hận thù giai cấp. Một thời chỉ thấy ngạo nghễ con người quyền lực tàn bạo mà không có con người lịch lãm văn hoá, không có con người hồn hậu nhân văn.

 

Một con người nhỏ nhen, hẹp hòi và độc ác hấp tấp kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật chỉ xứng là bạo chúa của thời mông muội xa xưa, không xứng là người dân bình thường và lương thiện của mảnh đất nghĩa khí và bao dung Sài Gòn, Nam Bộ.

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo/?fbid=1954568411411196&set=a.121692098032179

Ông Phó Giáo sư, Tiến sĩ kí lệnh tiêu huỳ 29 tác phẩm nghệ thuật.

Học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ là bằng cấp của người có học. Nhưng kí lệnh tiêu huỷ tác phẩm nghệ thuật thì chắc chắn là phẩm chất của người không học!

 

Tuesday, August 16, 2022

NƯỚC ĐỨC, THÁNG 7 NĂM 1990

  

 

 

 

 

NƯỚC ĐỨC, THÁNG 7 NĂM 1990

 

NGUYỄN DUY

 

Thành phố Thanh Hoá, ngày 9/11/2014

 

Tháng 6.1990, sau khi dự Hội thơ Puskin do Hội Nhà văn Liên Xô mời, tôi bị kẹt lại Maxkva vì chưa có vé bay về Việt Nam. Nhờ Đại sứ quán Việt Nam giúp đỡ, tôi được giới thiệu đi viết phóng sự về đề tài “ hợp tác lao động ”ở các nước Đông Âu XHCN. Lấy Praha (Tiệp Khắc) làm điểm đứng chân, tôi xoay vòng Ba Lan, Hungari, Đông Đức…Tình cờ đúng vào dịp Đông –Tây Đức thống nhất tiền tệ, 1/7/1990. Suốt một tuần lễ, hoặc lên Đông Berlin, hoặc nằm chờ tại nhà người em bà con là kiến trúc sư Phạm Ngọc Kỳ, ở thành phố Dresden, tôi chứng kiến cuộc đổi tiền lịch sử để thực sự thống nhất nước Đức. Bức tường Berlin đã bị phá vỡ từ ngày 9/11/1989, nhưng các trạm gác Đông –Tây vẫn tồn tại sau đó và được tháo dỡ hoàn toàn vào tuần lễ đổi tiền đầu tháng 7.1990. 7/7, ngày được nhận những đồng D-Mark mới toanh, chú em tôi mới có tiền dẫn tôi sang Tây Berlin, ngao du bằng xe buýt và đi bộ… Phóng sự Đông Âu Du Kí của tôi đăng 9 kì trên báo Lao Động (tháng 9 & 10.1990). Riêng 2 bài thơ thời sự về đề tài bức tường Berlin và nước Đức đổi tiền, tôi phải giấu biệt, giấu kĩ đến mức chính tôi cũng không biết mình giấu chỗ nào và quên bẵng. Vừa rồi, tình cờ lôi đống giấy vụn cũ kĩ thanh lí, chợt khai quật được 2 bài thơ này. Mừng quá, xin công bố hôm nay, 9/11/2014, nhân kỉ niệm 25 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ.

 

Tiền & Máu

 

 

Những trạm gác Đông – Tây sấp ngửa lật nhào

xe bọc thép chở tiền nối đuôi lao như điên

tổng tấn công ?

nước Đức đổi tiền !

 

đồng mark miền Tây ăn đồng mark miền Đông

nghìn tỉ mark in ra

nghìn tỉ mark tiêu huỷ

 

cháy ?

cháy ?

cháy ?

cháy biết bao nhiêu giấy !

 

khói lửa đốt tiền đủ làm mù đất trời

lãng phí thay ?

nhưng tiết kiệm biết bao nhiêu máu người!

 

tro tiền bay như tiếng hò reo

nội chiến lạnh kết thúc

ứa nước mắt mừng thanh bình nước Đức

 

triệu tấn tiền mua mỗi chữ t-h-ố-n-g-n-h-ấ-t

cái giá quá đắt ?

nhưng quá bèo so với chiến tranh !

Dresden, 7.7.1990

 

 

 

Chợ trời

 

 

Cổng Brandenburg phanh trần

chợ kỉ vật chiến tranh bày la liệt cảm xúc

 

mũ sắt các sắc lính – giá đồng hạng 5 USD

sao đỏ hồng quân và phù hiệu SS phát xít – giá đồng hạng 7 USD

cờ đỏ búa liềm và phướn thập ngoặc đen – giá đồng hạng 10 USD

 

mảnh tường Berlin bằng bàn tay con nít

giá trên trời – 20 USD !

 

ta dốc túi nghiến răng mua mẩu tường Berlin

những mong mang về làm quà

cho dân tộc mình.

 

 

 

 

 

NƯỚC ĐỨC, THÁNG 7 NĂM 1990

 

NGUYỄN DUY

 

Thành phố Thanh Hoá, ngày 9/11/2014

 

Tháng 6.1990, sau khi dự Hội thơ Puskin do Hội Nhà văn Liên Xô mời, tôi bị kẹt lại Maxkva vì chưa có vé bay về Việt Nam. Nhờ Đại sứ quán Việt Nam giúp đỡ, tôi được giới thiệu đi viết phóng sự về đề tài “ hợp tác lao động ”ở các nước Đông Âu XHCN. Lấy Praha (Tiệp Khắc) làm điểm đứng chân, tôi xoay vòng Ba Lan, Hungari, Đông Đức…Tình cờ đúng vào dịp Đông –Tây Đức thống nhất tiền tệ, 1/7/1990. Suốt một tuần lễ, hoặc lên Đông Berlin, hoặc nằm chờ tại nhà người em bà con là kiến trúc sư Phạm Ngọc Kỳ, ở thành phố Dresden, tôi chứng kiến cuộc đổi tiền lịch sử để thực sự thống nhất nước Đức. Bức tường Berlin đã bị phá vỡ từ ngày 9/11/1989, nhưng các trạm gác Đông –Tây vẫn tồn tại sau đó và được tháo dỡ hoàn toàn vào tuần lễ đổi tiền đầu tháng 7.1990. 7/7, ngày được nhận những đồng D-Mark mới toanh, chú em tôi mới có tiền dẫn tôi sang Tây Berlin, ngao du bằng xe buýt và đi bộ… Phóng sự Đông Âu Du Kí của tôi đăng 9 kì trên báo Lao Động (tháng 9 & 10.1990). Riêng 2 bài thơ thời sự về đề tài bức tường Berlin và nước Đức đổi tiền, tôi phải giấu biệt, giấu kĩ đến mức chính tôi cũng không biết mình giấu chỗ nào và quên bẵng. Vừa rồi, tình cờ lôi đống giấy vụn cũ kĩ thanh lí, chợt khai quật được 2 bài thơ này. Mừng quá, xin công bố hôm nay, 9/11/2014, nhân kỉ niệm 25 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ.

 

Tiền & Máu

 

 

Những trạm gác Đông – Tây sấp ngửa lật nhào

xe bọc thép chở tiền nối đuôi lao như điên

tổng tấn công ?

nước Đức đổi tiền !

 

đồng mark miền Tây ăn đồng mark miền Đông

nghìn tỉ mark in ra

nghìn tỉ mark tiêu huỷ

 

cháy ?

cháy ?

cháy ?

cháy biết bao nhiêu giấy !

 

khói lửa đốt tiền đủ làm mù đất trời

lãng phí thay ?

nhưng tiết kiệm biết bao nhiêu máu người!

 

tro tiền bay như tiếng hò reo

nội chiến lạnh kết thúc

ứa nước mắt mừng thanh bình nước Đức

 

triệu tấn tiền mua mỗi chữ t-h-ố-n-g-n-h-ấ-t

cái giá quá đắt ?

nhưng quá bèo so với chiến tranh !

Dresden, 7.7.1990

 

 

 

Chợ trời

 

 

Cổng Brandenburg phanh trần

chợ kỉ vật chiến tranh bày la liệt cảm xúc

 

mũ sắt các sắc lính – giá đồng hạng 5 USD

sao đỏ hồng quân và phù hiệu SS phát xít – giá đồng hạng 7 USD

cờ đỏ búa liềm và phướn thập ngoặc đen – giá đồng hạng 10 USD

 

mảnh tường Berlin bằng bàn tay con nít

giá trên trời – 20 USD !

 

ta dốc túi nghiến răng mua mẩu tường Berlin

những mong mang về làm quà

cho dân tộc mình.