Sunday,
October 12, 2014
Lời dẫn: Sau vụ Nhân văn Giai Phẩm, GS Trần Đức Thảo bị quản
chế tại gia ở Hà Nội. Ông không được dạy học, không được phép nghiên cứu gì cả.
Ông li dị vợ (hay vợ li dị ông?), cuộc sống rất khó khăn, suốt ngày lẩm bẩm
chuyện đâu đâu. Người ngoài nhìn vào tưởng ông điên, nhưng sau này ông nói ông
chỉ đóng kịch thôi! Một hôm GS Trần Văn Giàu và ông Trần Bạch Đằng từ Nam ra
thăm ông, thấy hoàn cảnh bi đát như thế nên đề nghị ông chuyển vào Sài Gòn sống.
Họ nói dù sao thì Sài Gòn với cá tính Nam Bộ ông sẽ dễ thở hơn. Phải qua can
thiệp vài nơi ông mới được phép chuyển vào Sài Gòn. Bài dưới đây là một trích
dẫn từ cuốn "Những lời trăn trối" về cảm nhận của ông khi mới đặt
chân đến Sài Gòn.
NVT
Đang trong tình
trạng mắc kẹt trong vòng cương toả của các cục "bảo vệ", "tuyên
huấn", các ban "văn hoá, tư tưởng, khoa giáo trung ương" như
vậy, thì Trần Văn Giàu, rồi Trần Bạch Đằng từ trong Nam ra thăm Hà Nội. Cả hai
người miền Nam này đã kinh ngạc khi khám phá ra những ý tưởng mới mẻ của Tảo.
Và nhất là họ thấy những điều kiện sống và làm việc quá tồi tệ như thế. Họ tính
đề cập với các cấp lãnh đạo về vấn đề nên đối xử nhân đạo với Thảo. Nhưng sau
khi giải phóng miền Nam, nay hầu hết các giới chức cách mạng cấp cao ở Hà Nội
đều đổ vào Nam, nói là đi "công tác", nhưng thực ra là vào sống ở đó,
để hưởng chiến lợi phẩm của chiến thắng. Hà Nội lúc đó chỉ là những trụ sở và
chức vụ tượng trưng không có thực quyền hành động.
Cánh trí thức Nam
bộ này khuyên Thảo nên tìm cách vào Sài Gòn sinh sống, vì trong đó khí hậu ấm
áp hơn, đời sống cũng sung túc hơn, nên dễ có điều kiện cho phép làm việc thoải
mái, cởi mở hơn. Nhưng Thảo hỏi lại:
- Các đồng chí
tưởng là tôi là kẻ được tự do chọn lựa, muốn đi đâu thì đi, muốn sống ở đâu
cũng được sao? Tôi đã nhiều lần xin đi dạy học trở lại, họ không cho, viện dẫn
lí do là đã có lệnh cấm tôi dạy học từ thời "bác" Hồ còn sống, từ đó
đến nay, tôi sống như người bị giam lỏng ở Hà Nội này. Thỉnh thoảng họ chỉ bố
trí tôi được tham dự những sinh hoạt có tính tuyên truyền, cũng có lần tham gia
phái đoàn đi tham quan nước ngoài. Sự có mặt của tôi trong các sinh hoạt ấy đều
bị kiểm soát chặt chẽ và chỉ để đánh bóng chế độ!
[…]
Mới đặt chấn xuống
cái thủ đô của miền Nam này, mọi sự đã làm tôi kinh ngạc. Qua bao nhiêu năm
chiến tranh gian khổ mà sao Sài Gòn nó lại khang trang hiện đại như vậy? Tôi cứ
ngỡ cả miền Nam bị đói khổ vì bị Mĩ ngụy bóc lột đến nỗi miền Bắc đã phải
"cắn hạt gạo làm tư" để cứu giúp miền Nam cơ mà. Vả lại, mọi người ở
đây sao mà nói năng cởi mở thoải mái quá vậy? Ngay cả những cán bộ của đảng ở
đây cũng có thái độ tự do quá. Họ đãi đằng tôi, họ giễu cợt tôi, coi tôi như
anh mán, anh mường ở rừng mới được về thành phố.
Trịnh Công Sơn
Phải nói thẳng ra
là có một điều của Sài Gòn đã làm tôi bàng hoàng đến cùng cực. Đó là những bài
hát của một anh chàng nhạc sĩ trẻ của miền Nam, nói đúng hơn là của "Mĩ
Nguỵ" chứ không phải của đảng. Tên anh ta là Trịnh Công Sơn, Các bài hát
của anh ta mang nỗi niềm day dứt, oán trách chiến tranh. Cứ như anh ta khóc
than thay cho cả chế độ ở cả hai miền Nam Bắc. Giữa những năm tháng chiến tranh
một mất một còn ác liệt như thế mà sao anh ta dám cất lên tiếng kêu than như
vậy. Những lời ca của những bài hát ấy đã lay động tâm hồn tôi.
Phải công nhận là
trong đời tôi có hai lần bị thúc đẩy và thoát ra khỏi thái độ sợ hãi đến hèn
nhát đã ngự trị trong đầu óc của bao trí thức, văn nghệ sĩ của Hà Nội. Lần thứ
nhất là do nhà thơ trẻ Trần Dần, khi anh ta tới mời tôi tham gia nhóm Nhân văn
Giai phẩm. Lần thứ nhì là khi tôi nghe mấy bài hát thấm thía của Trịnh Công
Sơn! Đấy là thứ âm nhạc phát ra từ trái tim dân tộc.
[…]
Chế độ không tồi
Không hiểu sao
chính quyền miền Na lại để cho anh ta tự do sáng tác những bài ca làm mất tinh
thần chiến đấu như thế? Điều này khiến tôi phải suy nghĩ trình độ dân chủ rất
khác nhau giữa hai miền Nam, Bắc. Một chế độ để cho nghệ sĩ được tự do cất
tiếng hát lên những nỗi niềm như thế không phải là một chế độ tồi tệ. Xét chung
thì miền Nam đã có mức độ dân chủ rõ rệt. Cả giới trí thức lẫn dân chúng miền
Nam đều bàn chuyện chính trị cởi mở, phê phán lãnh đạo và đảng rất tự nhiên. Ở
miền Bắc thì không thể. Miền Bắc là cái lò của giáo điều, của chiến tranh.
Không có chỗ cho một Trịnh Công Sơn, điều đó dễ hiểu.
Vì thế, tôi không
ngạc nhiên khi nghe tin Dương Văn Minh đã ra lệnh buông súng, và đã được nghe
theo. Vì có lẽ dân đã thấm mệt với bao nỗi khổ, chết chóc. Tôi cám ơn miền Nam
đã sinh sản được một Dương Văn Minh, một Trịnh Công Sơn. Người nhạc sĩ trẻ ấy
đã góp phần vào cái giờ phút thiêng liêng buông súng, thôi bắn giết nhau. Đấy
thực sự là một anh hùng của hoà bình, chính anh ta đã nêu gương cho Trần Đức
Thảo này! Tôi thú thật rất cảm ơn cái lệnh buông súng ấy, vì nó đã giải thoát
hàng vạn thanh niên miền Bắc ra khỏi rừng núi đầy bom và muỗi, mòng. Vì nó đã
cứu hàng vạn thanh niên với số phận "sinh Bắc tử Nam".
Chỉ tiếc rằng người
cán bộ sĩ quan của "bộ đội cụ Hồ", khi tiến vào Dinh Độc Lập gặp
Dương Văn Minh, thì đã tỏ thái độ thô bỉ quá kém cỏi với một lãnh đạo chính
quyền miền Nam. […] Việc ứng xử thô bỉ như vậy đúng vào giây phút chiến tranh
chấm dứt như thế đã làm cho sự tuyên truyền chính sách đại nhân, đại nghĩa
"hoà giải, hoà hợp dân tộc" bỗng nhiên tự nó tố cáo nó là một quỉ kế
để đánh lừa kẻ thù buông súng, chứ không phải là một sự giàn xếp cao thượng
giữa anh em trong một nhà. Mấy anh em cách mạng miền Nam còn than phiền với tôi
là có những người bộ đội miền Bắc khi tiếp quản Sài Gòn đã nhục mạ dân chúng về
tội "ăn mặc lố lăng, bắt họ phải cạo sơn móng tay, bắt cắt quần ống
loa". Rồi còn cảnh trả thù cả người chết bằng cách đập phá nghĩa trang của
chế độ "Nguỵ" nữa! Thái độ ấy thật là thô lỗ quá trớn.
No comments:
Post a Comment