Sunday, January 19, 2025

Đổi mới hay là chết (*)

 

Đổi mới hay là chết (*)

 

GS Nguyễn Văn Tuấn

 

 

“Cách đây mấy chục năm, đất nước cùng thời kỳ đổi mới với Trung Quốc, khi đó mức độ hai nước tương đương nhau. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thu nhập bình quân đầu người mười mấy nghìn USD”.

Gần đây, ngài Tổng Bí thư (TBT) so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc như trên [1]. Rồi ông so sánh với Tân Gia Ba (Singapore):

“Những năm 60, Sài Gòn là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng, nhưng giờ đây tốc độ phát triển của họ đã vượt rất xa chúng ta”.

Nếu là người khác nói ra những so sánh đó thì chắc DLV và những ‘bậc trí giả’ sẽ ồn ào biện minh và lên lớp, này nọ. Nhưng ngài TBT nói thì họ im lặng.

Mới hôm qua, ngài TBT nói những câu mà tôi chưa thấy các vị lãnh đạo nào đề cập tới thực trạng của nền kinh tế Việt Nam. 

Ông nói: 

“Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. 

Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? 

Chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm (%) giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. 

Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? 

Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? 

Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. 

Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là ‘ngộ nhận’, là ‘tự huyễn hoặc’, là ‘tự ru mình’ không”.

Tôi xin trả lời ngay: tự huyễn hoặc và tự ru ngủ. 

Tôi rất đồng cảm với ngài TBT. Tôi thích cách ông nói rất thật mà chưa ai trong vị thế của ông dám nói như thế. 

(Người khác nói như ngài TBT là bị ‘ném gạch đá’ ngay). 

Ngài TBT rất quan tâm đến khoa học và công nghệ. Ông đặc biệt quan tâm đến AI. Ông cũng quan tâm đến nâng cao năng lực khoa học. Đó cũng là những gì tôi đã làm cho VN mấy chục năm qua.

Tôi tự hỏi trong thế k 21, Việt Nam có gì để làm cái ‘căn cước tính’ (identity) trong thế giới khoa học công nghệ?

Chúng ta có cái gì để nói ‘Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh’?

Chúng ta thử nhìn sang láng giềng.

Nói tới Nhựt Bổn thì ai cũng ngưỡng mộ sự cách tân trong công nghệ và khoa học. Hầu như bất cứ cái gì phương Tây làm được thì họ làm tốt hơn và rẻ hơn. Những thương hiệu mà ai cũng biết: Toyota, Honda, Suzuki, Nissan, Subaru, Sony, v.v. Đó là chưa nói đến những cái tên đã đi vào huyền thoại như Sanyo, Panasonic, Toshiba, Hitachi, Mitsubishi, Nintendo, v.v.

Nói tới Nam Hàn, chúng ta nghĩ ngay tới xe hơi Hyundai và KIA, điện thoại Samsung, đồ gia dụng điện tử, k nghệ đóng tàu, v.v. Họ thậm chí còn nổi tiếng với điện ảnh và kịch nghệ mà họ đã ‘soán ngôi’ Hồng Kông nhiều năm qua.

Nói tới Đài Loan, ai cũng nghĩ tới nền công nghệ điện tử và bán dẫn, và công nghệ viễn thông. Họ cũng từng làm gia công cho nước ngoài, nhưng chỉ 20 năm họ đã làm chủ công nghệ. Họ giỏi đến nỗi đầu tư ngược về Tàu lục địa.

Còn China thì chỉ trên dưới 30 năm họ đã ‘lột xác’ trở thành một nước hiện đại. Họ cũng bắt đầu làm gia công, nhưng chỉ một thời gian khá ngắn mà họ đã tạo nên những thương hiệu như Huawei, Baidu, Alibaba, BYD, Chery, Xiaomi, Lenovo, Tencent, v.v.

Còn Việt Nam?

Thành thật mà nói, chúng ta chưa có thương hiệu nào như Nam Hàn, Đài Loan, chứ chưa nói đến Nhựt Bổn và China.

Chúng ta chưa có ‘nhứt nghệ tinh’ để ‘nhứt thân vinh.’

Chúng ta, cũng như China, đã làm gia công hơn 30 năm nay. Và, cho đến nay ta vẫn còn làm gia công. Hãy đọc vài nhan đề báo chí:

“Nguy cơ Việt Nam chỉ là nền kinh tế ‘gia công”;

“Việt Nam trước rủi ro lún sâu vào ‘bẫy’ gia công, lắp ráp”;

“Kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát kiếp gia công”; hay

“Tăng trưởng bằng con đường vay mượn thì bao giờ mới lớn?”…

Chúng ta vẫn là một nước có thu nhập thấp. Thu nhập bình quân của Việt Nam ngày nay là chừng 4.400 USD, nhưng China thì gần 13.000 USD.

Thành ra, tôi rất đồng tình khi thấy ông TBT nói thẳng và thật:

“Cách đây mấy chục năm, đất nước cùng thời kỳ đổi mới với Trung Quốc, khi đó mức độ hai nước tương đương nhau. Tuy nhiên, giờ đây, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, thu nhập bình quân đầu người mười mấy nghìn USD”.

Tôi phải ghi thêm là họ bỏ xa Việt Nam về khoa học và công nghệ.

Tôi tự hỏi: tại sao China bỏ xa Việt Nam?

Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ do yếu tố con người. Thành thật mà nói, người Hoa rất tài ba và thông minh. Và, họ đông hơn Việt Nam mình, và có thực tài hơn Việt Nam.

China có chiến lược rải người đi học ở phương Tây, và thu hút người tài gốc Hoa (và người tài khắp thế giới) về làm cho họ.

Và, họ tạo điều kiện cho những người tài có cơ hội đóng góp. Họ đã làm như vậy 20 năm qua.

Việt Nam cũng nói nhiều về ‘thu hút nhân tài’, nhưng chỉ là nói thôi.

China ‘thoáng’ hơn Việt Nam và China hội nhập nhanh hơn Việt Nam. Vào các đại học China ngày nay, tôi thấy họ chẳng khác gì các đại học ở M và phương Tây. 

Còn các đại học Việt Nam thì cũng có biến chuyển, nhưng tôi e rằng quá chậm, và có khi, lạc hướng.

Vậy chúng ta chọn cái gì để ‘nhứt nghệ tinh’?

AI (thông minh nhân tạo)? – Sẽ khó cạnh tranh với China. 

Công nghệ sinh học, nano tech? – Sẽ khó cạnh tranh với phương Tây. 

Nông nghiệp? – Có thể.

Nhưng không có gì là không thể nếu không cố gắng và có kế hoạch và lãnh đạo. Lãnh đạo đóng vai trò quan trọng. Cứ nhìn Lý Quang Diệu, Phác Chánh Hy, Tưởng Giới Thạch thì biết.

N.T.

(*) Tên bài do BVN đặt

Thursday, November 21, 2024

Đất nước mình ngộ quá phải không anh

 

Đất nước mình ngộ quá phải không anh



Trần Thị Lam



Mấy ngày hôm nay, loan truyền trên mạng thông tin đại ý cho rằng : cô Giáo dạy Văn trường THPT Chuyên ở Hà Tĩnh, tác giả bài thơ này, đã bị công an mời lên trụ sở sách nhiễu, đe dọa, đồng thời đóng cửa Facebook. Tuy nhiên, báo Đời sống & Pháp Luật hôm nay viết: "qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mấy ngày nay, cô giáo L vẫn đến lớp giảng dạy bình thường. Không có chuyện kỷ luật cô này sau việc cô sáng tác bài thơ trên".

Bài thơ chúng tôi đăng lại ở đây được đăng lên FaceBook vào 20h ngày 25.4.2016, tới 23h ngày 26.4.2016 đã có hơn 2000 lượt chia sẻ. Sau đó:

"Do sức ép dư luận, trong ngày 27/4, cô giáo Lam đã xóa bài thơ và tự khóa Facebook cá nhân của mình. Hiện nay, cô đã mở tài khoản trở lại."(tin VietNamNet).

"Sức ép dư luận" là cái gì, và "lời khuyên" "không nên phát tán, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội" của một đại tá trưởng phòng An ninh văn hoá cấp tỉnh là như thế nào, xin mời đọc hai bản tin dẫn trên và tự mình phán xét.

Với chúng tôi, bài thơ này tự thân nó rất hay và có ý nghĩa nhân chứng cần giữ lại về đất nước và một bộ phận con người Việt Nam ở thời đại này.




Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi …

Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay …

Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa …

Đất nước mình thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu …

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu

Trần Thị Lam, Hà Tĩnh

Sunday, November 17, 2024

Bài học cay đắng của Ukraine, lương tâm của nước Mỹ và thế giới ở đâu

 

Thận Nhiên: Bài học cay đắng của Ukraine, lương tâm của nước Mỹ và thế giới ở đâu?

Thận NhiênNovember 11, 2024



Kyiv sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào ngày 10 tháng 10 năm 2022. Ngã tư đường Volodymyrska và đại lộ Taras Shevchenko.Một bệnh viện nhi ở Mariupol sau một cuộc không kích của Nga, ngày 9 tháng 3 năm 2022

https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/11/Bakhmut_during_the_battle_2023-04-05_frame_16531-1024x576.jpgCảnh quan phía tây Bakhmut trong trận chiến, ngày 5 tháng 4 năm 2023

https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/11/Vovchansk_2024-06-02_1604-1024x576.jpgVovchansk trong cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv tháng 6 năm 2024

Thỉnh thoảng, tôi lại nghe người ta lý sự cho rằng tại sao nước Mỹ và các quốc gia Châu Âu phải mang lấy trách nhiệm viện trợ và bảo vệ cho Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. Nhất là khi họ viện dẫn chủ trương “America first” của ông Donald Trump. Tôi viết bài này với ước mong giải thích phần nào với những người không biết, không hiểu sự việc/sự thật, và cũng tự trấn an mình để sống tiếp. Chuyện là như thế này.

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Ukraine trở thành quốc gia độc lập và thừa hưởng một số lượng lớn vũ khí hạt nhân từ Liên Xô. Vào thời điểm đó, Ukraine sở hữu khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân chiến lược, là kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Nga). Tuy nhiên, Ukraine đã quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình thông qua một tiến trình chính trị phức tạp.

Dưới đây là các lý do và tiến trình dẫn đến việc Ukraine giao nộp vũ khí hạt nhân:

Lý do Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân:

1. Áp lực quốc tế

• Mỹ và Nga, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới, gây áp lực mạnh mẽ để Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân. Cả hai nước đều muốn tránh sự lan rộng của vũ khí hạt nhân, nhất là trong bối cảnh hậu Chiến tranh Lạnh.

2. Kinh tế và kỹ thuật hạn chế

• Ukraine không có cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ để duy trì, bảo trì hoặc vận hành các vũ khí hạt nhân.

• Chi phí để duy trì kho vũ khí hạt nhân khổng lồ là rất lớn, trong khi Ukraine vào thời điểm đó đang gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

3. Lo ngại an ninh và trách nhiệm quốc tế

• Ukraine muốn trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế và được công nhận như một quốc gia độc lập, có trách nhiệm. Việc từ bỏ vũ khí hạt nhân là cách để giảm lo ngại quốc tế về an ninh.

4. Cam kết nhận bảo đảm an ninh

• Ukraine được hứa hẹn các bảo đảm an ninh từ các cường quốc, đặc biệt là Nga, Mỹ và Anh, thông qua Bản ghi nhớ Budapest (Budapest Memorandum).

Tiến trình giao nộp vũ khí hạt nhân:

1. 1991-1992: Ukraine tuyên bố độc lập và tiếp quản vũ khí hạt nhân

• Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine nắm quyền kiểm soát các cơ sở hạt nhân nằm trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, các mã kích hoạt vũ khí hạt nhân vẫn được kiểm soát bởi Nga.

2. 1993: Đàm phán quốc tế

• Mỹ, Nga và Ukraine bắt đầu đàm phán để đạt được thỏa thuận về việc giải trừ vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

3. 1994: Ký kết Bản ghi nhớ Budapest

• Theo thỏa thuận này, Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và gia nhập Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) với tư cách là một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.

• Đổi lại, Nga, Mỹ và Anh cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại nước này.

https://diendantheky.net/wp-content/uploads/2024/11/Presidents_after_signing_the_Trilateral_Statement_Moscow_1994.png

Tổng thống Hoa Kỳ Clinton, Tổng thống Nga Yeltsin và Tổng thống Ukraine Kravchuk sau khi ký Tuyên bố ba bên (về Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo an ninh/ Budapest Memorandum on Security Assurances), tại Moscow vào ngày 14 tháng 1 năm 1994.

4. 1996: Hoàn tất giao nộp

• Ukraine chuyển toàn bộ các đầu đạn hạt nhân chiến lược của mình sang Nga, nơi chúng được tháo dỡ.

Hậu quả và bài học từ việc từ bỏ vũ khí hạt nhân:

• Ukraine nhận được các bảo đảm an ninh trên lý thuyết, nhưng không phải là sự bảo vệ thực tế. Điều này trở nên rõ ràng khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và tiến hành các hoạt động quân sự ở miền đông Ukraine, vi phạm Bản ghi nhớ Budapest.


Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine: Các khu vực của Ukraine bị Nga sáp nhập kể từ năm 2014 (Cộng hòa tự trị Crimea và Sevastopol) và năm 2022 (các khu vực khác). Việc sáp nhập năm 2022 đã tạo ra một cầu nối đất liền chiến lược giữa Crimea và Nga.

• Nhiều nhà quan sát quốc tế coi đây là bài học đắt giá về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân mà không có các biện pháp bảo đảm an ninh đủ mạnh. 

Nếu Ukraine không ngây thơ, vì lòng tin vào sự bảo đảm của thế giới mà từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì Putin và Nga còn khuya mới dám xâm lược họ. Và ngày nay, Mỹ và thế giới nuốt lời phủi tay buông bỏ họ, mặc cho Nga nuốt họ, thì lương tâm của nước Mỹ và thế giới là cái gì?

Bản đồ Ukraine tính đến ngày 5 tháng 11 năm 2024 
Màu vàng: Vùng lãnh thổ do Ukraine liên tục kiểm soát 
Màu hồng: Hiện đang do Nga chiếm đóng hoặc kiểm soát
Màu xanh: Trước đây do Nga chiếm đóng hoặc lãnh thổ Nga do Ukraine chiếm giữ

Nếu bạn không trả lời câu hỏi này, và cho rằng Ukraine ngu, chết ráng chịu, thì chúng ta không còn gì để trò chuyện với nhau nữa!

Ukraine hiện nay vẫn là một trong những ví dụ quan trọng trong các cuộc tranh luận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh toàn cầu.

Thận Nhiên 

—————-

Tham khảo:

*Nuclear Disarmament Ukraine, NTIhttps://www.nti.org/analysis/articles/ukraine-nuclear-disarmament/

*Ukraine, Nuclear Weapons, and Security Assurances at a Glance, Arms Control Association

https://www.armscontrol.org/factsheets/ukraine-nuclear-weapons-and-security-assurances-glance

Wednesday, November 13, 2024

“Điều đang xảy ra ở Gaza là một cuộc diệt chủng, vì Gaza không còn tồn tại”

 

Amos Goldberg, sử gia người Israel: “Điều đang xảy ra ở Gaza là một cuộc diệt chủng, vì Gaza không còn tồn tại”





Amos Goldberg, sử gia người Israel:



“Điều đang xảy ra ở Gaza là một cuộc diệt chủng,
vì Gaza không còn tồn tại”



Stéphanie Le Bars



Sử gia Amos Goldberg, giữ chức “Giáo sư Jonah M. Machover” (1) chuyên về Holocauste (2) tại Đại học Do Thái ở Jérusalem, đã đăng tháng 4 năm nay trên báo mạng Local Call [Tiếng Do Thái: Siha Mekomit] (*) một bài viết cáo buộc Israel tiến hành “diệt chủng” ở Gaza. Ông giải thích luận điểm này trong một cuộc phỏng vấn của báo Le Monde.

 

Tháng 4 năm nay, ông đã cáo buộc Israel tiến hành “diệt chủng” ở Gaza. Điều gì đã đưa ông đến kết luận ấy sáu tháng sau khi chiến tranh bắt đầu?

 

Tôi cần thời gian. Ngày 7 tháng 10 là một cú sốc, một thảm kịch, một cuộc tấn công rùng rợn. Một sự bi thương, một tội ác như chúng ta chưa bao giờ thấy. Chỉ trong một ngày có 850 thường dân [tổng cộng 1.200 người] bị giết. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, kể cả trẻ sơ sinh, người già bị bắt làm con tin. Những kibboutz bị hoàn toàn huỷ diệt. Rồi những câu mắt thấy tai nghe về cuộc tấn công hung tợn, bạo lực tình dục, những tàn phá do Hamas gây ra. Trong số các nạn nhân có những người tôi quen biết, nhiều người rất thân thiết. Có người chết, có người bị bắt làm con tin, có người chỉ đủ sống sót. Tôi không có lời nào để giải thích sự kiện này, để tiêu hoá nó, để vượt qua nó. Một sự kiện ghê tởm, đánh vào bản thân, để lại chấn thương.

Tôi rất hiểu hoàn cảnh chiếm đóng, chế độ apartheid [ở Cisjordanie] sự vây hãm [Gaza], nhưng cho dù những điều ấy có thể giải thích những gì đã xảy ra, vẫn không thể biện hộ cho những hành động tàn bạo tới mức ấy. Ngay sau cuộc tấn công, Israel đã bắt đầu dội bom ồ ạt và chỉ trong vài tuần hàng ngàn thường dân ở Gaza đã chết. Và đâu chỉ có ném bom. Những lời lẽ sặc mùi diệt chủng xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, trong công luận và giới chính trị: “Chúng ta phải loại trừ chúng [người Palestine], bọn chúng là những con thú đội lốt người” [Yoav Gallant, bộ trưởng quốc phòng, ngày 10.10.2023]; “Cả một dân tộc phải chịu trách nhiệm” [Isaac Herzog, tổng thống Israel, ngày 14.10.2023]; “Chúng ta phải ném một quả bom nguyên tử xuống Gaza [Amichai Eliyahu, bộ trưởng di sản, ngày 5.11.2023]; “Đây là Nakba của Gaza 2023” [Avi Dichter, bộ trưởng nông nghiệp, ngày 11.11.2023, nhắc đến sự kiện 700 000 người Palestine bị ép buộc di tản và trục xuất trong chiến tranh 1948, sau khi Israel được thành lập]. Những phát biểu tàn nhẫn tới mức tôi không còn biết có thể nói gì.

Tháng giêng năm nay, cùng với 50 học giả chuyên về Holocauste và Do Thái học, tôi ký một lá thư yêu cầu Yad Vashem [Viện quốc tế tưởng niệm Holocauste ở Jérusalem] lên án những phát biểu công khai hay gián tiếp kêu gọi diệt chủng ở Gaza. Nếu đây không phải là bài học từ Holocauste thì chúng ta đã học được gì? Một trong những văn kiện đầu tiên Israel thông qua lúc thành lập là Công ước về tội diệt chủng [9.12.1948], trong đó một điều lệ khẳng định tội diệt chủng không chỉ là những tội ác đã gây ra mà còn là xúi giục gây ra tội ác. Ở đây rõ ràng là vậy. Yad Vashem đã từ chối không lên án những lời nói ấy.

Cho nên tôi bắt đầu viết, ý thức rằng một thảm hoạ nhân đạo và chính trị hết sức lớn đang diễn ra trước mắt chúng ta. Tháng 4 năm nay, tôi viết, bằng tiếng Do Thái, “Đây đúng là một cuộc diệt chủng”. Bài này đã được dịch sang tiếng Anh và nhiều người đọc trên thế giới.

 

Điều gì đã đưa ông đến lời cáo buộc này, đối với một nước “đã được thành lập để phản ứng với Holocauste” như ông nhắc nhở?

 

Trước hết tôi muốn nói đây là một điều hết sức đau đớn, vì tôi tố cáo xã hội của chính tôi, tôi tố cáo chính tôi. Từ nhiều năm nay tôi đấu tranh chống lại sự chiếm đóng và chế độ apartheid, và tôi biết Israel đã gây tội ác trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng tôi chưa bao giờ tưởng tượng chúng ta có thể gây ra biển máu và độc ác tới mức này, ngay cả sau ngày 7 tháng 10.

Có một định nghĩa pháp lý về diệt chủng được Liên Hợp Quốc thông qua trong Công ước về tội diệt chủng, tôi không phải là chuyên gia về luật, nhưng nhiều luật gia trên thế giới tin rằng Israel đã vượt qua ngưỡng của tội diệt chủng, và tôi đồng ý với họ. Tháng giêng năm nay, Tòa án Công lý Quốc tế đã khẳng định lời cáo buộc diệt chủng là “có cơ sở”. Tháng 3, bà Francesca Albanese [báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng] kết luận trong báo cáo là có cơ sở hợp lý để nghĩ rằng Israel đã vượt qua ngưỡng của tội diệt chủng. Hàng trăm học giả, trong đó có những luật gia, đã ký nhiều thư ngỏ bày tỏ những quan ngại ấy.

Theo tôi, Israel tuyệt đối có quyền tự bảo vệ sau ngày 7 tháng 10, nhưng đã phản ứng quá mức, gây ra tội ác. Nền tảng của diệt chủng là gì? Theo Công ước về tội diệt chủng, đó là hành vi được thực hiện với với ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần một quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Điều cần nhấn mạnh là ý định huỷ diệt một tập thể chứ không phải là giết tất cả mọi người trong đó. Không nhất thiết cứ phải giết tất cả các thành viên của một tập thể mới là diệt chủng. Thảm sát Srebrenica, nơi “chỉ” có 8 000 người đàn ông bị giết, đã được Toà án hình sự quốc tế về Nam Tư cũ thừa nhận là một cuộc diệt chủng. Tháng 3.2023, Hoa Kỳ đã thừa nhận những hành vi của Miến Điện đối với người Rohingya là một cuộc diệt chủng, dù rằng đa số “chỉ” bị trục xuất và “chỉ có” 10 000 người của cộng đồng này bị giết, theo Bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Những thí dụ này khác với Holocauste hay cuộc diệt chủng người Arménie là những mưu toan tiêu diệt toàn bộ hay gần hết một tập thể. Người Israel và nhiều người khác nghĩ rằng mọi cuộc diệt chủng phải giống Holocauste. Nhưng họ lầm.

Điều đang xảy ra ở Gaza là một sự diệt chủng, vì Gaza không còn tồn tại. Lãnh thổ đã hoàn toàn bị huỷ diệt. Mức độ và nhịp độ tàn sát không phân biệt vô số người vô tội, kể cả những nơi Israel ấn định là khu vực an toàn, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, hầu hết bệnh viện và đại học bị phá huỷ, hàng ngàn người phải di tản, nạn đói được cố tình tạo ra, giới tinh hoa bị trấn áp và chính sách phi nhân hoá người Palestine, tất cả vẽ lên bức tranh một cuộc diệt chủng.

Vậy chúng ta thấy ở đây có tàn phá, có chủ đích, và có một mô hình bạo lực dữ dội giáng liên tiếp lên thường dân. Chúng ta vẫn chưa biết Toà án Công lý Quốc tế sẽ phán quyết thế nào trong hồ sơ Nam Phi kiện Israel (3), nhưng nếu chúng ta đọc Raphael Lemkin [1900-1959], luật gia người Ba Lan đã đặt ra thuật ngữ này và có vai trò then chốt trong việc thiết lập Công ước về tội diệt chủng, thì đây chính là những điều ông phác hoạ khi nói đến diệt chủng.



Cuộc tranh luận này có thể diễn ra ở Israel?

 

Chưa. Nhưng tuy họ không dùng cụm từ “diệt chủng” và không nghĩ là có xảy ra diệt chủng, càng ngày càng có nhiều người ngờ vực về lý lẽ và mục đích của cuộc chiến này. Nhiều người phản đối tiếp tục cuộc chiến vì họ hiểu là phải chấm dứt nó các con tin mới được thả về. Chỉ một thiểu số nhỏ chống lại cuộc chiến vì những lý do đạo đức, nhưng có lẽ có thêm một chút không gian cho những tiếng nói đơn lẻ như tôi; tuy nhiên tôi có thể bị thực tế phản bác.

Chiến tranh phải chấm dứt. Ngay bây giờ. Mở rộng cuộc chiến sang Liban tai hại cho cả hai bên. Đồng nghĩa với án tử hình cho các con tin và hàng ngàn người trong vùng.

Bạo lực của nhà nước Israel và các người Do Thái lập cư ở Cisjordanie vẫn ác độc và sát nhân như trước. Israel không có lời giải nào cho mọi vấn đề ngoài sự hung bạo. Giải pháp duy nhất, mà Israel từ chối, là thừa nhận người Palestine với những quyền của họ. Chúng ta không thể chờ phán quyết của Toà án Công lý Quốc tế. Sẽ quá muộn cho người Palestine ở Gaza, người Israel, đối với dân chúng Liban và các con tin. Với nhiều bằng chứng như thế trong tay, chúng ta phải dũng cảm nói đây là một cuộc diệt chủng, ngay cả trước phán quyết, vì nếu không thì có ích gi mà tìm hiểu về khái niệm diệt chủng, chỉ để thốt lên sau khi mọi sự đã an bài: “À phải rồi, đúng là diệt chủng đó”? Lịch sử sẽ xét đoán như thế tình hình hiện nay.

Tôi nghĩ có nhiều khả năng Toà án Công lý Quốc tế sẽ thừa nhận là đã có xảy ra tội diệt chủng hay ít ra những hành vi mang tính cách diệt chủng như tấn công bệnh viện Al-Shifa hoặc cố ý làm cho hàng trăm ngàn người đói khát. Và tôi muốn nói thêm, cho những ai không nghĩ đây là diệt chủng: thực tế không thể chối cãi là đã có những tội ác chiến tranh nghiêm trọng và những tội ác phản nhân loại. Như vậy cũng đủ trầm trọng rồi!

 

Từ sau ngày 7 tháng 10, những lo sợ về sự tồn tại bị khơi lại ở cả hai bên: Holocauste cho người Do Thái, Nakba cho người Palestine. Lo sợ đó có cơ sở không?

 

Không có đối xứng. Không phải là một holocauste cho người Do Thái, vì Israel có một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Israel đã bị giáng một cú ngất ngư nhưng đấy không là một mối đe doạ có thể so sánh với Holocauste. Còn đối với người Palestine, Nakba vẫn tiếp tục từ năm 1948. Và sẽ phải trải qua nhiều thế hệ mới hồi phục sau những cuộc tấn công vào Gaza.

Đây quả là một Nakba thứ nhì. Người Palestine đang trải qua một cảnh ngộ gây rất nhiều chấn thương, đe doạ cả sự sống còn của họ. Chúng tôi, người Israel, cũng trải qua một cảnh ngộ gây rất nhiều chấn thương, nhưng theo tôi, [chúng tôi] không phải [đứng trước] một đe doạ sống còn.

 

Những tội ác gây ra ngày 7 tháng 10 tàn bạo như chưa từng thấy. Quy mô cuộc phản công của Israel cũng thế. Giải thích thế nào sự phi nhân hoá ở cả hai bên?

 

Tôi không phải là chuyên gia về xã hội Palestine. Tôi không thể trả lời điểm này. Nhưng chiến tranh bao giờ cũng đi cùng với phi nhân hoá phía bên kia. Và chúng tôi sống trong chiến tranh từ mấy chục năm nay, từ 1948. Israel không thể biện hộ cho Nakba, sự chiếm đóng, chế độ apartheid và bây giờ chiến tranh diệt chủng ở Gaza, mà không phi nhân hoá người Palestine. Nếu chúng tôi công nhận họ là con người, chúng tôi không thể bắt họ phải chịu những điều ấy. Sự cố ngày 7 tháng 10, với sự tàn bạo và quy mô khủng khiếp, đã đẩy nhanh hơn quá trình này.

Khi anh phi nhân hoá người khác, anh tự cho phép anh hành động vô nhân đạo. Và hiện tượng này càng tồi tệ hơn giữa giới trẻ. Nhiều thế hệ sinh ra sau năm 1967 và chỉ biết Israel như một nước thi hành chiếm đóng; ngay cả tôi, sinh năm 1966. Nhưng đối với những người sinh sau cuộc Intifada thứ nhì [2000-2005], khái niệm hoà bình là cái gì hoàn toàn xa lạ. Lúc họ trưởng thành, không có thảo luận về hoà bình hay đàm phán đúng nghĩa, một bức tường phân chia được dựng lên... Và sau bấy nhiêu năm tháng với những chính quyền cánh hữu, một phần do Benyamin Nétanyahou lãnh đạo, hậu quả ra sao ai cũng thấy.

Lại còn có quan điểm Israel hùng mạnh – ít ra cho đến ngày 7 tháng 10- việc gì phải nhượng bộ và từ bỏ những đặc quyền của mình? Năm 2018, Israel đã ban hành đạo luật về “Quốc gia dân tộc” [qui định quyền tự quyết trong quốc gia Israel chỉ dành cho dân tộc Do Thái], một văn bản chỉ liên quan đến chúng tôi [người Do Thái]. Người Palestine không thuộc vào dân tộc được xem như nền tảng của quốc gia, và do đó sẽ luôn bị phân biệt đối xử, ngay cả trong quốc gia Israel. Trong bối cảnh ấy, những người trẻ [Do Thái] khó mà nhân tính hoá người Palestine, và đây là một thảm kịch rất lớn.

 

Trong quyển « The Holocaust and the Nakba. A New Grammar of Trauma and History »,, cùng viết với chuyên gia chính trị Bashir Bashir (Columbia University Press, 2018), ông cổ vũ cho sự đồng cảm lẫn nhau giữa người Israel và người Palestine. Điều này còn khả thi không?

 

Với Bashir Bashir, bạn tôi, chúng tôi đề nghị một tầm nhìn: một “chủ nghĩa hai dân tộc bình đẳng”, trong đó người Do Thái và người Palestine có thể chung sống “từ sông đến biển” (4), trên cơ sở bình đẳng trọn vẹn, cả hai dân tộc đều hưởng tất cả các quyền cá nhân. Không bên nào có đặc quyền, như người Do Thái hiện nay. Chúng ta cần phải có không chỉ đồng cảm mà còn một “sự lung lay thấu cảm” qua đó thông cảm nỗi đau của người khác khiến ta nhìn lại, suy nghĩ lại những gì là căn bản của chính mình. Trong cái biển máu hiện nay, những ý tưởng này giống như khoa học giả tưởng.

Ông nghĩ thời gian tới sẽ ra sao?

Máu đổ, máu đổ, và máu đổ. Tôi không thấy gì khác ngoài một tương lai kinh hoàng. Nhưng chúng ta phải bám víu vào nhân tính chung của chúng ta và hi vọng một ngày, chưa biết bao giờ, mọi chuyện sẽ khác.



Stéphanie Le Bars

Đỗ Tuyết Khanh dich