Wednesday, September 18, 2019

Lê Công Định (VN)






2 hrs · 
Năm 2003, trong lần đi công việc sang thủ đô Phnom-Penh, tôi đến thăm Đại học Hoàng gia Luật và Kinh tế (Royal University of Law and Economics) để mục kích xem xứ sở một thời lệ thuộc Việt Nam đang dạy và học luật ra sao.
Đó là một viện đại học khổng lồ được thành lập từ năm 1949 với khuôn viên (campus) rộng mênh mông gồm nhiều tòa nhà như thường thấy ở các đại học phương Tây. Việt Nam cũng có vài đại học như vậy.
Được các giáo sư người Campuchia quen biết hướng dẫn, tôi dành cả buổi đến thăm khu trung tâm nghiên cứu luật khoa. Ở đó tôi thấy nhiều dãy nhà được dành riêng cho các viện nghiên cứu luật của Pháp, Mỹ và Nhật sử dụng. Thư viện chính to lớn với nhiều dãy kệ sách cao và bàn ghế phục vụ sinh viên và nhà nghiên cứu.
Khỏi nói đến chương trình giảng dạy luật hiện đại và tiên tiến theo mô hình phương Tây, điều quan trọng bậc nhất đó là tạp chí luật chuyên ngành mà Đại học Hoàng gia Luật và Kinh tế ấn hành hàng tháng và hàng quý bằng ba thứ tiếng Khmer, Anh và Pháp, do các giáo sư, nhà nghiên cứu và luật gia bản xứ viết trực tiếp mà không cần biên dịch.
Nhìn quy mô đồ sộ và sự hàn lâm uy nghi ấy tôi không khỏi tự ti khi nghĩ đến các đại học luật đương thời ở Việt Nam. Tự do học thuật là nền tảng cho sự phát triển đúng hướng và vượt bậc của xứ sở vừa trải qua nạn diệt chủng kinh hoàng của nhân loại trong thế kỷ 20.
Tôi hỏi các giáo sư Campuchia xem trường của họ có giảng hai môn Triết học Marx-Lenin và Lý luận Marx-Lenin về nhà nước và pháp luật hay không, họ hỏi lại tôi đó là hai môn gì vậy (?)(!).
Sau khi chính phủ hoàng gia Campuchia được thành lập nhờ cuộc tổng tuyển cử do Liên hiệp quốc hỗ trợ năm 1993, hai môn tuyên truyền nhồi sọ ấy đã không còn là kim chỉ nam của sinh viên luật như ở Việt Nam tận ngày nay.
Theo lời bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cần đổi tên Đại học Y TPHCM thành Đại học Sức khoẻ TPHCM để Campuchia và Lào không vượt qua mặt. Vậy có cần đổi luôn tên Đại học Luật TPHCM để tránh rơi vào thảm cảnh đó không? Xin thưa rằng từ năm 2003 Campuchia đã vượt quá xa Việt Nam trong đào tạo luật bậc đại học rồi.
Điều cần làm không phải là đổi tên đại học, mà hãy vứt bỏ vòng kim cô Marx-Lenin khỏi não trạng giới cầm quyền và giới học thuật để không chỉ đại học mà cả dân tộc Việt Nam được hồi sinh. Du nhập chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam thực chất không khác gì tiến hành nạn diệt chủng triền miên, chưa kết thúc, trên đất nước này.

No comments:

Post a Comment