Tình yêu thời hiện đại
By Nam Đan -
Hôm nọ, tôi vào Facebook, tình cờ đọc status
của một hot girl, cô này hay làm thơ post lên và được vô số người tán thưởng,
cô viết như vầy: “Hôm qua có một tên đến nói iu mình, mình cũng nói iu
hắn, hai đứa iu qua iu lại. Hắn nói iu anh thì làm thơ tặng anh đi. Mình nghĩ
iu nhau sao không làm gì mà lại làm thơ thì ra cái quái gì, iu gì mà iu, iu
cái… quần.”
Đọc xong, tôi không kìm được, bật cười ha hả.
Tôi thấy buồn cười ở 2 chỗ: Thứ nhất là, cách dùng chữ Việt của người viết trên
mạng hiện nay; cô này viết “iu” thay vì “yêu”, tôi không muốn nói đến chuyện
đúng hay sai, nhưng thấy nó ngộ nghĩnh, và hạp, hạp với cái nội dung tếu táo mà
cô ba trợn này muốn bày tỏ. Thứ hai là, cái cách họ nói về “tình yêu”, cái đề
tài mà ngày xưa người ta cho rằng rất nghiêm, ít khi cà rỡn, mà nếu có tếu táo
thì cũng khó có nàng tiểu thư nào phát ngôn kiểu quậy tưng “iu cái… quần” như
vầy. Ờ, có phải tình yêu thời hiện đại là cà tưng vậy hay sao?
Xa xưa, có vẻ như
người Việt mình ít nói về chuyện tình yêu, chắc do cái đạo đức Khổng Nho nó
ghìm lại, cho tới thời các nhà thơ Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ,
Hồ Xuân Hương (nhất là bà Hương này)… thì chuyện tình yêu, và những điều cấm kỵ
về nó, dần dần được họ đưa vào tác phẩm, về sau ngày càng nở rộ. Mở bất cứ
quyển tiểu thuyết dày mỏng nào ra ta cũng thấy nếu không hẳn là chuyện tình thì
cũng thấp thoáng có chuyện tình trong đó. Nghe ca khúc Việt, trừ loại nhạc đỏ
ra, thì hầu như bài hát nào cũng là tình ca. Tóm lại, ở đâu ta cũng thấy một
đống tình nằm chình ình, to tướng, đến phát ngấy.
Hôm qua, tôi tình cờ
đọc được 2 câu chuyện tình thời hiện đại, rất không cà tưng, mà còn làm tôi xúc
động.
Chuyện thứ nhất là từ
một truyện ngắn có tên là “Tình Yêu” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Điểm đặc
biệt là trừ cái tựa, suốt cả truyện tác giả không hề nhắc lại một chữ “tình”
hay chữ “yêu” nào cả, cũng hoàn toàn không có cảnh mùi mẫn trăng mờ bên suối,
hay chuyện giường chiếu linh tinh, cũng không đám cưới linh đình rồi sinh con
đẻ cái, ăn chả ăn nem, rồi mang nhau ra tòa ly hôn, ly dị, chia gia tài… Chuyện
tóm tắt thế này.
Một người đàn bà trẻ
đi khám bệnh, sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định là bà bị ung thư vú, nếu
không cắt bỏ gấp một bên sẽ di căn thành ung thư phổi, đến lúc đó là xong
chuyện, không còn gì để nói. Ca phẫu thuật thành công, nhưng một bên vú thì vẫn
no tròn, mềm mại, thơm tho, ấm áp, còn bên còn lại thì nó không được như ngực
trẻ con hay ngực đàn ông, tệ hơn vậy, nó là một nhúm thịt thâm đen, bầy hầy,
lòng thòng, nhão nhoét, ngay cả chủ nhân của nó nhìn xuống cũng thấy ghê tởm.
Một thời gian sau, người đàn bà tội nghiệp này vui mừng tâm sự với bạn: “May
quá chị ạ, chồng em anh ấy vẫn đối xử với em như ngày nào!”
Chuyện chỉ có vậy. Hẳn
có người cho rằng đây là một câu chuyện tẻ nhạt. Tình mà thiếu những giây phút
mê ly gay cấn thì còn gì là tình, đã thế lại còn phòng mổ, dao kéo, máu me, gớm
ghiếc… Nhưng này, hãy nghĩ lại mà xem, người đàn ông ấy phải có một tình yêu
lớn lao lắm, cao cả lắm, vượt qua được những thấp kém của bản thân thì mới yêu
người vợ trong tình trạng như vậy, mà không chỉ yêu gắng gượng, nhưng ông ấy
vẫn yêu “như ngày nào”, vẫn giữ được lời thề hứa trước mặt Chúa trong ngày hôn
lễ: “Tôi T… nhận em T… làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh
vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu
thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi.”
Chuyện thứ hai không
phải là hư cấu, mà nó có từ hiện thực của đời sống Việt Nam, được đưa lên báo.
Sau một tháng toan
tính kỹ lưỡng, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, thành
phố Cà Mau, quyết định… chết. Chị chọn quyên sinh là giải pháp cuối cùng
với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ
hộ nghèo. Đau đớn đến mức trong lá thư để lại, chị còn nhắn chồng đi xin hòm
về liệm, dành tiền đóng học cho con.
Chiều 24/4/2013, xứ An
Xuyên bàng hoàng, thảng thốt bởi cái tin chị Nhân treo cổ chết.
Trước khi thắt cổ chết
một tháng, chị đã nói với chồng, với con, với nhiều người hàng xóm về kế hoạch
chết của mình. Chị khẳng định với chồng là chỉ còn một con đường duy nhất duy
trì việc học cho các con. Đó là chị phải chết đi để mọi người đến phúng viếng
mới có tiền trang trải cho các con học, giảm gánh nặng cho chồng, lấy linh hồn
phù hộ cho chồng con… trúng số độc đắc. Lá thư tuyệt mệnh của chị như sau:
“Tạm biệt chồng con!
Anh! Trong hoàn cảnh
gia đình mình quá khổ, em không sống nổi với anh và các con. Từ một tháng qua,
em bệnh, nằm xuống nhưng không ngủ được. Em nhớ đến nợ nần, đến tiền học phí
của các con, đến sự khổ cực cả đời của anh. Em đã cố gắng lắm rồi, em chạy tiền
bằng mọi cách để trị bệnh, để lo đóng học phí cho các con, nhưng có ai cho mình
mượn, mình vay đâu.
Em khổ lắm. Em không
còn lối thoát. Em biết chết trong lúc này, bỏ lại anh và 3 đứa con ngoan, hiền,
học giỏi của chúng ta là em không đúng. Anh Bảo! em thương anh nhiều lắm. Anh
sống với em cả đời cực khổ, chưa có bao giờ anh được sung sướng.
Các con, Bằng, Tâm,
Ngân. Các con đừng trách mẹ, mẹ khổ nhiều lắm. Mẹ chạy tiền cho các con ăn học,
bây giờ nợ nhiều lắm. Tiền hụi chết mỗi tháng phải đóng cho dì Ánh 1 triệu
đồng. Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để mẹ vay tiền đóng học phí cho các
con. Nhưng không ai cho gia đình mình nghèo hết. Mẹ chết để giảm gánh nặng cho
cha con, để phù hộ cho cha con các con được trúng số độc đắc, để chính quyền
thấy nhà mình thực sự khổ rồi cấp sổ hộ nghèo, vay tiền đóng học phí cho các
con.
Xin các cấp chính
quyền ấp 5 soi xét cho hoàn cảnh quá khổ, không lối thoát của chúng tôi mà xét
cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi được sống những ngày tháng còn lại trên đời.
Anh Bảo! Anh ra Hội
chữ thập đỏ xin hòm liệm em, đừng mua tốn kém lắm, dành tiền lo cho các con
mình ăn học nghe anh.
Anh. Em thương anh
nhiều lắm! Các con hãy gắng vươn lên, học tập đổi đời, đừng để cha con phải khổ
thêm. Vì mẹ con mình mà cha các con phải khổ cả đời rồi…
Mỹ Nhân tạm biệt!”
Tôi chấm dứt bài viết
ở đây. Còn gì để nói không? Chắc là không. Không còn gì để nói thêm nữa vì
chúng ta đã thấy lòng mình rướm máu.
No comments:
Post a Comment