Đinh Từ Thức♦ 0
bình luận ♦ 8.02.2016
![](https://www.damau.org/wp-content/uploads/2016/02/US-Consulate.jpg)
Toà Đại Sứ Mỹ nhìn từ góc đườngThống Nhất và Mạc Đĩnh Chi, thấy rõ ba vết thủng do hoả tiễn bắn vào, và dưới chân tường rào phía ngoài, (chỗ người đứng), một lỗ thủng cỡ một mét do Việt Cộng dùng B-40 gây ra, làm lối vào bên trong. (Hình của Viện Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ)
Từ bốn mươi tám năm
qua, cứ mỗi dịp Tết, lại có nhiều bài viết về vụ Mậu Thân. Nhưng phần lớn,
những bài này đều nói về chuyện xẩy ra ở Huế. Có lẽ vì đó là trận địa đẫm máu
nhất, tàn ác nhất. Trong khi ấy, mặt trận tại Thủ Đô Sài Gòn, nơi có hai địa
điểm tiêu biểu cho chính quyền VNCH là Phủ Tổng Thống, và tiêu biểu cho Hoa Kỳ
là Đại Sứ Quán Mỹ đều bị Việt Cộng tấn công, đã ít được nói tới. Đến nỗi, có
nhiều người sống tại Sài Gòn thời đó, cũng không biết rõ cuộc chiến đã thực sự
diễn ra như thế nào, hoặc chỉ biết với những chi tiết lờ mờ, hay sai lầm.
Thật ra, điều này cũng
không lạ. Ngày Tết, mọi người đều lo ăn Tết, mấy ai đề ý tới thời sự. Đến khi
có tấn công, súng nổ, thiết quân luật, mọi người đều lo bảo vệ mạng sống của
mình và của người thân, làm sao biết rõ nội vụ diễn ra như thế nào. Chỉ có báo
chí quốc tế, vì nhiệm vụ nghề nghiệp, và có phương tiện theo dõi cùng ghi lại
những gì sẩy ra. Tại sao chỉ có báo chí quốc tế, mà không có báo chí Việt Nam?
Trước hết, theo truyền thống, báo chí Việt Nam thường nghỉ Tết, ít nhất bốn
ngày. Thứ đến, khi nổ ra cuộc tấn công, hoạt động báo chí Việt cũng bị tê liệt
như mọi ngành sinh hoạt dân sự khác. Trong khi ấy, vụ tấn công bất ngờ Tết Mậu
Thân là cơ hội hiếm có để ký giả quốc tế gửi tin nóng đi khắp thế giới. Tuy
vậy, tại một đất nước xa lạ, ký giả ngoại quốc không thể hành nghề suông sẻ,
nếu không được sự giúp sức đắc lực của nhà báo địa phương. Ai may mắn được sự
cộng tác của người địa phương tận tâm, nhanh nhẹn, có khiếu về lãnh vực truyền
thông, có cơ may thành công hơn các đồng nghiệp khác.
Trong vụ tấn công Tết
Mậu Thân ở Sài Gòn, nhiều trận đánh xẩy ra cùng lúc tại nhiều địa điểm khác
nhau. Bài này chỉ chú trọng tới trận đánh ở Toà Đại Sứ Mỹ. Đây không phải là
trận đánh lớn nhất, nhưng tiêu biểu nhất, vì nó có vai trò làm thay đổi cục
diện toàn bộ cuộc chiến Việt Nam.
Người Việt làm báo Anh
bằng Dinglish
Một trong số ký giả
quốc tế may mắn có sự giúp sức đắc lực của ký giả địa phương là Hugh Lunn,
người Úc, quê Brisbane, tới London thử thời vận, được hãng thông tấn Reuters
mướn, gửi đi Việt Nam vào cuối tháng Hai năm 1967, với thời hạn một năm. Vụ Mậu
Thân xẩy ra chỉ vài tuần trước khi Hugh Lunn rời Việt Nam, sau khi đã hoàn tất
thời gian phục vụ tại đây. Những gì chứng kiến tận mắt về cuộc chiến Việt Nam,
kể cả trận Mậu Thân ở Sài Gòn, đã được ông kể lại trong cuốn VIETNAM: A
Reporter’s War, xuất bản năm 1985. Cuốn này đã đoạt giải văn chương
của Melbourne Age Book năm 1985, đã trở thành tác phẩm kinh điển, được trích
giảng trong chương trình học các lớp 11 và 12. Hugh Lunn còn là tác giả của
nhiều tác phẩm giá trị khác, và năm 2009, ông đã được chọn là biểu tượng của
Queensland (Queensland Icon) vào dịp kỷ niệm 150 năm lịch sử của Tiểu Bang này.
Tới Sài Gòn năm 26
tuổi, chẳng biết gì nhiều về Việt Nam. Ra đón anh tại phi trường là một người
Việt Nam, còn trẻ, hoạt bát, luôn nói cười, nhưng tiếng Anh của anh rất khó
hiểu; chẳng những sai giọng, “lawyer” phát âm như “louser” mà cách dùng chữ và
đặt câu không giống ai. Nếu một người tỏ ra sợ sệt, anh nói “He care”. Nếu nghĩ
một chuyện gì đó không thể làm được, anh nói dản dị “Cannot”. Nếu cho là một
việc thuộc trách nhiệm người khác, anh nói “Not my problem”. Sau này, kể với
Hugh Lunn về may mắn thoát chết trong vụ VC tấn công đợt nhì, anh viết: “Very
lacky to me, because if mr. Backer not stop 1 go with Bruce to cholon, 1
think no more dinh today” (Rất may cho tôi, bởi vì nếu Ông Backer không ngăn
tôi đi với Bruce vào Chợ Lớn, tôi nghĩ hôm nay không còn Đình). Ký giả ngoại
quốc gọi tiếng Anh của anh là Dinglish.
Tên Việt đầy đủ của
anh là Phạm Ngọc Đình, nhưng các ký giả Reuter đã làm việc từ trước ở Việt Nam
đều rất quý anh, cho rằng anh là nhà báo giỏi hơn tất cả bọn họ, nên gọi anh là
Gungadinh. Thật ra, “gunga” có nghĩa xấu, chỉ những thứ dơ dáy cặn bã. Nhờ nhà
thơ Rudyard Kipling có bài thơ nổi tiếng Gunga Din, sau trở
thành cốt truyện của một cuốn phim cùng tên do Sammy Davis jr. đóng
vai Gunga Din, ca tụng một người Ấn Độ tận tâm và can đảm làm đủ thứ để phục vụ
người Anh, khiến biệt danh Gungadinh thành một lời khen. Ngược lại, Gungadinh
đặt tên cho Hugh Lunn là Gunsmoke, vì anh này giống một vai chính trong bộ phim
chiếu trên TV Mỹ ở VN hồi đó là Gunsmoke.
Khởi đầu, Phạm Ngọc
Đình chỉ là một nhân viên chạy việc vặt (messenger) cho văn phòng hãng Reuter
tại Sài Gòn, anh giúp các ký giả xin hay gia hạn visa cư trú, hướng dẫn về
những giao dịch với nhà cầm quyền Việt Nam, đưa ký giả mới tới khu chợ trời Dân
Sinh mua quần áo nhà binh mặc để ra trận, đi cùng các ký giả tới những cuộc họp
báo hàng ngày để lấy tin tức, hay ôm sẵn điện thoại để gọi về văn phòng khi có
tin quan trọng, mà không ký giả nào có thể tranh với anh một trong số những điện
thoại hiếm có tại nơi họp báo.
Gunsmoke và Gungadinh. Hình từ VIETNAM: A
Reporter’s War
Đình không có cơ hội học cao, nhưng thông minh, nhanh trí, và quen thuộc rất nhiều về phía nhà cầm quyền Việt Nam, từ Tổng Thống Thiệu đến các tướng lãnh và viên chức cao cấp. Nhờ đó, công việc lo giấy tờ cho các ký giả anh làm rất lẹ, và không tốn tiền hối lộ. Anh mang cả thiệp chúc Giáng Sinh và Năm Mới của TT Thiệu tới văn phòng. Không phải để loè thiên hạ, anh quen lớn thật. Một hôm, tại phi trường Tân Sơn Nhất trong dịp ông Thiệu về nước sau một chuyến công du, ông đã rẽ đám ký giả, tiến lại phía Đình đang đứng với Hugh, gọi “Đình, Lại đây!”
Tại văn phòng Reuter
có thông dịch viên giỏi tiếng Anh, nhưng không có khiếu làm báo. Đem một bản
tin hay tuyên bố tiếng Việt về, liền được dịch sang tiếng Anh rất đúng văn
phạm. Nhưng dịch xong, người dịch không có ý kiến gì về nội dung. Trong khi ấy,
nếu đi với Đình tại một cuộc họp báo, có khi chỉ cần nghe nửa chừng, Đình đã
quay sang bảo: “Story now”, có chuyện rồi, thế là phần đáng chú ý nhất của lời
tuyên bố đã nắm được, có thể viết thành tin gửi đi ngay. Ngoài thông minh và
nhanh trí, Đình còn là người tận tâm. Tuy có vợ và ba con, trừ những giờ ngủ ở
nhà, bất cứ ngày đêm, Đình đều có mặt tại văn phòng, kể cả ngày Tết.
Trước Tết Mậu Thân
(1968), như thông lệ, đã có thoả thuận đình chiến giữa đôi bên; thường là một
tuần. Năm ấy, phía VC cũng muốn như vậy, bắt đầu từ 27 tháng 1. Nhưng phía Hoa
Kỳ và VNCH không muốn phía Cộng Sản có thời gian dài như vậy để tập trung lực
lượng, đã phản đề nghị, rút thời gian ngưng chiến xuống còn có 48, và cuối cùng
là 36 giờ, bắt đầu từ 6 giờ chiều Thứ Hai ngày Tất Niên (29-1), đến 6 giờ sáng
Thứ Tư, mùng Hai Tết (31-1).
Chiều mùng Một Tết
(30-1), tuy có tin đánh nhau ở Huế và Đà Nẵng, nhưng cũng tưởng đó chỉ là
chuyện vi phạm ngừng chiến thường sảy ra mỗi năm. Sài Gòn vẫn hoàn toàn yên
tĩnh, ăn Tết như thường lệ. Tại văn phòng Reuter ở đường Hàn Thuyên, ngay trước
Dinh Độc Lập ở phía trái, nhìn sang nhà thờ Đức Bà phía tay mặt, Hugh Lunn ngồi
viết nốt bản tin về mấy vụ vi phạm ngừng chiến, trong khi bạn gái ngồi đợi,
trước khi hai người đi “dung dăng dung dẻ” chung vui ngày Tết.
Đình cũng có mặt trong
văn phòng, dù là chiều Mùng Một Tết, nhưng anh có vẻ đăm chiêu, không cười nói
như mọi ngày. Rồi bỗng nhiên, tiến tới cạnh Hugh, nghiêm trang nói “Gunsmoke,
you tell Miss go home” (Gunsmoke, hãy bảo cô ta về nhà). Hugh thường hay đùa
dỡn với Đình, nhưng hôm nay cũng lịch sự hỏi lại, tại sao anh nghĩ là anh có
quyền can thiệp vào sinh hoạt riêng tư của mình. Anh tới sát, nghiêm nghị nói:
“Tonight the VC attack Saigon. She go home” (Tối nay VC đánh Sài Gòn. Cô về
nhà). Bạn gái của Hugh là thư ký tại toà đại sứ Anh, mà Anh vẫn tin ở Mỹ là
cuộc chiến sắp thắng lợi, ánh sáng đã le lói cuối đường hầm. Cô nghĩ rằng những
gì Đình nói chỉ là cớ để xua đuổi, không muốn cô ngồi đợi, nên vùng vằng bỏ đi,
về nhà ở cư xá dành cho người Anh.
Hugh và cả trưởng
phòng Reuter là Jim Pringle rất hoang mang, không biết nguồn tin của Đình đúng
hay sai. Đình không cho biết lấy tin từ đâu, nhưng nói chắc cuộc tấn công sẽ
diễn ra vào lúc 1 giờ sáng. Quá đặc biệt tới mức khó tin, như chuyện đùa. Ngay
thời chống Pháp, cộng sản chưa bao giờ dám, hay có khả năng mở mặt trận ngay
tại Sài Gòn, làm sao có thể sẩy ra bây giờ. Nhưng Đình đã từng có những tin rất
đặc biệt, và chính xác. Mới hơn năm trước, dịp Tổng Thống Johnson tới Việt Nam
sau khi dự đám tang Thủ Tướng Úc Harold Holt năm 1966 là vô cùng đặc biệt.
Trước đó, chưa tổng thống Mỹ nào tới mặt trận ngoài nước Mỹ. Chuyến đi đã được
giữ kín tới phút chót. Trong khi tất cả ký giả quốc tế ở VN chưa biết ông
Johnson có ghé đây không, khoan nói là ghé nơi nào. Nhưng vào nửa đêm 25 tháng
10, Đình gọi Hugh, cho biết Johnson sẽ tới Cam Ranh. Sau đó, JUSPAO mới điện
thoại hỏi liệu Reuters có muốn cử người theo một chuyến đi sáng mai? Vẫn không
cho biết đi đâu, và với mục đích gì. Sáng sớm hôm sau, khoàng 50 nhà báo gặp
nhau ở phi trường, máy bay cất cánh rồi mới được cho biết là đi gặp Johnson, và
máy bay hạ cánh mới biết là đến Cam Ranh.
Cho nên, nguồn tin của
Đình không thể coi thường. Đình nói tạt về nhà một chút rồi sẽ quay lại. Thay
vì về nhà làm hoà với bạn gái, Hugh và Jim ra ngoài, đi dọc đường Tự Do xuống
phía bờ sông xem xét tình hình. Mọi chuyện vẫn bình thường, yên tĩnh. Cuối
cùng, hai người ghé văn phòng New York Times xem các đồng nghiệp có biết tin gì
đặc biệt không? Chẳng ai tin sẽ có chuyện động trời sắp sẩy ra. Uống bia,
chuyện gẫu đến sau nửa đêm, Jim và Hugh tản bộ trở lại văn phòng Reuter. Cho
rằng tin của Đình là tin vịt, Hugh gọi Đình nói anh khỏi bận tâm trở lại văn
phòng, trừ trường hợp có chuyện đặc biệt. Tuy vậy, hai người vẫn ngồi đợi cho
đến 1 giờ. Đến 2 giờ, vẫn không có chuyện gì, Jim chở Hugh tới nơi ở của cô bạn
gái, rồi trở lại văn phòng Reuter.
Hugh vừa tắm rửa xong,
định lên gường làm hoà với bạn gái thì bỗng ánh sáng ngoài cửa sổ loé lên như sét
đánh, cùng với một tiếng nổ lớn và những tràng súng nhỏ. Cô bạn nhỏm dậy, như
đã tin vào lời Đình từ đầu: “Bắt đầu rồi, phải không?” Hugh bị kẹt tới sáng sớm
hôm sau mới trở lại văn phòng Reuter. Đang không biết ăn nói thế nào với Jim vì
anh phải trải qua đêm kinh hoàng một mình, vừa nhận tin, viết tin, và tự mình
gửi tin, Hugh cảm thấy thoát nạn khi Jim bảo: “Hugh tới ngay toà đại sứ Mỹ.
Việt Cộng đã chiếm rồi”. Hugh phóng ra cửa, Jim nói theo: “Coi chừng bọn bắn sẻ
bên kia đường”.
Trận đánh tại toà đại
sứ Mỹ theo ký giả Reuter
Sau đây là lời kể của
Hugh Lunn, dịch từ VIETNAM: A Reporter’s War từ trang 205 đến
210:
Tôi tạt ngang công
viên đối diện Reuters để đi về phía tay mặt của con đường (Đường Thống Nhất –
trước Dinh Độc Lập – chú thích của người dịch). Giống như tôi đang đi dạo vào
một buổi sáng nắng ấm dưới bầu trời trong xanh, trừ âm vang của những tiếng nổ
và những tràng súng máy bộc phát. Khi tôi vòng qua Thánh Đường cũ kỹ bằng gạch
mầu đỏ, con đường bên ngoài Toà Đại Sứ [Mỹ] giống như một cảnh ở phim trường.
Một chiếc xe Citroen
cổ lỗ đậu ngay bên ngoài, với hàng loạt lỗ đạn bắn gần chạy xéo hai bên giống
như một sản phẩm của Eliot Ness: Một người Việt chết gục trên tay lái. (Eliot
Ness, giới chức Mỹ nổi tiếng chống tội phạm có tổ chức như Al Capone. Mặc đầu
Al Capone đã cố gắng mua chuộc nhưng không được, nhóm người của Eliot Ness được
tiếng là “The Untouchables” – chú thích của người dịch). Có một chiếc xe nữa bị
bắn xa hơn phía dưới, và cũng có cả một xe jeep của Quân Cảnh Mỹ, các cửa kính
bị bắn vỡ tan.
Xác một VC đang được
mang ra từ chiếc xe Citroen. Theo ghi nhận của Michael A. Rovedo căn cứ một
phần vào “Duty Staff Log” của Tiểu Đoàn 716 Quân Cảnh Mỹ: 2:40 sáng 31 tháng 01
(mùng Hai Tết Mậu Thân), Nguyễn Văn Mười lái một xe du lịch Citroen mầu đen đi
qua tòa nhà sáu tầng Đại Sứ Quán Mỹ trên Đại Lộ Thống Nhất. Anh ta mang cả một
thanh kiếm Nhật để ở băng sau để lấy hên. 2:45 sáng, Đạn súng lớn bắt đầu rơi
xuống thành phố. Mười lái qua lần nữa. Lần này anh hô “Tiến”! Một xe vận tải
Peugeot và một xe taxi đi về phía Tây trên Đại Lộ Thống Nhất, theo bức tường
phía Nam của khuôn viên rộng bốn mẫu và ngừng lại. Các công binh bắt đầu mang
khí giới và khí cụ xuống, trong khi những người khác bước ra khỏi bóng tối.
————
Một bên bức tường trắng cao bọc quanh toà đại sứ sáu tầng đã bị bung ra một lỗ nhỏ làm lối vào pháo đài cho đến giờ vẫn tưởng là bất khả xâm nhập. Không thấy dấu vết của những lính gác người Việt – chòi canh nhỏ của họ ở bên ngoài trống không. Phía đường bên kia toà đại sứ có nhiều cây lớn – đàng sau mỗi cây có một người Mỹ. Nhiều người mặc quần áo ngủ, nhiều khi áo ngủ lòi ra dưới áo giáp. Họ nhắm súng M-16 về hướng toà đại sứ của mình. Phía tường trắng trước toà nhà có ba nơi bị bể bởi các loại đạn phóng.
Trừ một tay bắn sẻ
người ta nghĩ là đang ẩn náu trong toà nhà xây dựng dở dang phía xa tay mặt
tôi, ở phía bên toà đại sứ của con đường là nơi an toàn nhất: Tất cả các toà
nhà đều có tường gạch cao hay được xây sát lối đi nên không ai ở toà đại sứ có
thể bắn vào điểm này. Và những lính Mỹ đang canh chừng phía đường bên kia, kể
cả những người mai phục dưới những chiếc xe bị bắn, có thể chặn bất cứ ai xuống
đất để bắn.
Tôi thận trọng theo
tường rào xuống phía dưới, qua một Quân Cảnh Mỹ trên lề đường đang lắp thêm đạn
vào súng. Gần đó hai người trong số họ nằm chết, sấp mặt trên đường. Họ đã bị
bắn khi có một người Việt chặn lại, người này là Việt Cộng.
Bên cạnh xác hai binh sĩ Hoa Kỳ nằm chết ở
phía trước, Quân Cảnh Mỹ nấp đằng sau một bức tường ở lối vào tòa đại sứ quán
Hoa Kỳ tại Sài Gòn ngày đầu tiên của cuộc tấn công Tết Mậu Thân, 31 tháng 1 năm
1968
(Hình của Hong Seong-Chan/AP – nguồn: Atlantic Magazine)
(Hình của Hong Seong-Chan/AP – nguồn: Atlantic Magazine)
Mặc dầu có đầy lính
tráng và súng ống, con đường này bây giờ rất yên lặng, giống như một người
chiếu phim đã tắt phần âm thanh. Tôi không chắc đi bao xa nhưng tôi phải tới
càng gần càng tốt, để cảm nhận được điều gì đang xẩy ra, và trở lại văn phòng
để viết một bản tin. Sát tường ngay cạnh lối xe vào toà đại sứ, một nhóm người
Mỹ đang nhòm quanh phía góc, súng trên cánh tay sẵn sàng nhả đạn. Một trong số
họ quay sang nói với tôi là phải ra khỏi đây vì Việt Cộng ở khắp nơi, và bọn
bắn sẻ, cùng với mìn. Một vài sĩ quan tôi nói truyện với cho biết Việt Cộng ở
ngay trong toà nhà, nhưng không biết bao nhiêu.
Việt Cộng đã gây bất
ngờ cho những người gác bằng cách đến trong những chiếc xe dân sự. Một người
lính nói với tôi rằng một Việt Cộng đã bắn hai Quân Cảnh Mỹ bằng cách chặn họ
lại sau giờ giới nghiêm và xin lửa hút thuốc. Tôi tới sát bức tường nhìn thẳng
ra chiếc xe Citroen có đầy vết đạn thì nghe tiếng súng lại bắt đầu từ cả hai
phía. Một trong nhóm binh sĩ Mỹ cùng với tôi ở gần lối vào, người bự nhất trong
số họ, ghì một khẩu súng máy M-60 vào ngang hông, vừa chạy vừa bắn qua lối vào,
miệng la “Tôi sẽ vào thanh toán bọn khốn kiếp này – I’m going in to get those
mother-fuckers”. Nhưng anh ta chỉ chạy được chừng hai mét trên đất toà đại sứ.
Sau khi anh ngã xuống, tôi vẫn còn nhìn thấy đôi bốt của anh về phía tôi ở cửa
lối vào – nhưng tôi không nhìn quanh cột trụ. Tập trung hoả lực không sẩy ra vì
người Mỹ không có mục tiêu để bắn. Thật mỉa mai, đại sứ quán của họ đã được
thiết kế quá tốt như một pháo đài đề có thể dễ dàng chiếm lại. Chẳng ai biết
bốn Cảnh Sát Việt Nam có nhiệm vụ canh gác toà nhà đang ở đâu, nhưng hai trong
số ba Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ canh gác đã bị thương, và họ đã chiến đấu trong
khi rút lui vào tầng trên cùng. Nhiều binh sĩ mở đường vào và chẳng bao lâu kéo
được người bạn tử sĩ ra ngoài. Nằm khoảng một giờ trong khi trận đánh xẩy ra
chung quanh.
Việt Cộng đánh nhau
trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tại toà đại sứ, lần đầu tiên từ khi có chiến tranh. Quân
Cảnh bảo các nhà báo gần cổng tránh ra. “Có nhiều mìn ở quanh đây”, một người
nói. Binh sĩ nói Việt Cộng đang giữ năm tầng dưới của toà nhà.
Tôi lẻn về văn phòng,
đi sát tường, để bắt đầu giúp Pringle cạnh tranh với các hãng thông tấn khác:
Việt Cộng đang trong Đại Sứ Quấn Mỹ; người Mỹ đang từ sau mọi gốc cây, chiến
đấu dành lại pháo đài của mình; vẫn có một số người Mỹ còn sống bên trong; một
binh sĩ cố gắng đột nhập toà đại sứ của mình bằng một khẩu súng máy. Và vẫn
chưa tới giờ ăn sáng.
Bây giờ Đình đã tới
được văn phòng – một chuyện thật nguy hiểm đối với một người Việt Nam trong khi
trận đánh vẫn còn đang tiếp diễn khắp thành phố và người Mỹ sẵn sàng bắn bất cứ
người Việt nào không mặc binh phục VNCH. May mắn cho tôi là Pringle vẫn còn bực
mình vì tôi đã không trở lại đêm qua. Đình cười với anh, lắc đầu và nói: “No.
No, Jim, he cannot to do” Không. Không được đâu Jim, anh ta không thể làm được.
Đình đã phải đi qua khu cư xá của người Anh để tới văn phòng, nhờ đó anh có thể
nói với Jim về những xác chết bên ngoài chung cư.
Sau khi viết bản tin
Đình và tôi cả hai cùng trở lại mặt trận toà đại sứ. Nhưng khi chúng tôi vừa
tới nơi, một lính Mỹ la to trước Đình, “OK Charlie”, rồi chĩa súng vào anh. Tôi
đã chờ đợi nguy hiểm từ phía Việt Cộng, và sự bất ngờ từ phía Mỹ làm tôi cứng
họng. Chỉ còn Đình đã nhanh trí la to, “I not Viet Cong, I number one
anti-communist”. Tôi không phải Việt Cộng, tôi chống cộng số một. Người Mỹ hạ
súng xuống, nhưng sau đó Đình nói rằng anh đã có thể nhìn thấy vẻ bối rối trên
mặt anh lính Mỹ. “Vì làm sao anh ta có thể biết được? Không thể” (For how he
really know? Cannot).
Hai Quân Cảnh Mỹ áp giải một Việt Cộng từ khuôn viên Toà Đại Sứ
(Hình của Don Hirst, người chụp hình của Bộ Binh Mỹ)
Chúng tôi luồn lỏi sau từng gốc cây rồi dọc theo bức tường và, vừa lúc tới toà đại sứ, một số trong những người lính Mỹ quả cảm đã chiến đấu mở đường vào khuôn viên toà đại sứ đang mang ra một du kích quân bị bắt. Bốn lính Mỹ hùng hổ chĩa mũi súng vào lưng hắn. Khi đi qua mặt tôi, hai tay hắn giơ lên, tôi nhìn thấy vẻ mặt thách thức của hắn, rồi nhìn tới vẻ đanh lại trên nét mặt của bốn lính Mỹ. Một sĩ quan nhìn họ la lên không được bắn, giữ hắn làm tù binh. Tôi cũng đã lo một trong số họ có thể thể lẩy cò. Những bộ mặt giận dữ cho thấy họ cảm nhận thế nào khi chẳng những thấy Việt Cộng lần đầu tiên, mà còn là kẻ đầu tiên trong đám Việt Cộng đã chiếm một phần lãnh thổ Hoa Kỳ.
Sau đó ít lâu một trực
thăng đáp xuống trên nóc toà đại sứ và binh sĩ bắt đầu chiến đấu mở đường xuống
toà nhà, tới chỗ những người khác đang chiến đấu mở đường ra cửa trước. Chiếc
trực thăng đã phải bay đi vì bị bắn lần đầu nhưng trong cố gắng thứ nhì, sức
kháng cự của Việt Cộng có vẻ không còn bao nhiêu – có thể đến lúc này họ chỉ còn
ít đạn, và bị mất tinh thần vì sự kiện ba thuỷ quân lục chiến đã có thể giữ
vững tầng trên cùng.
Đình và tôi vội trở
lại văn phòng nơi tôi đánh máy kể lại tất cả những gì chúng tôi đã nhìn thấy
cho một thế giới chúng tôi tưởng tượng là đang đói tin về cuộc tấn công gây
sốc. Khi chúng tôi trở lại toà đại sứ, mười chín Việt Cộng thuộc đội cảm tử bên
trong đã bị giết hay bị bắt.
Lúc đó là giữa buổi
sáng. Đình kéo tôi sang một bên và chỉ vào hai xác Việt Cộng nằm gần. Anh nhận
xét rằng dưới bộ quần áo đen của họ là sơ mi trắng thông thường, và cả hai có
đeo đồ trang sức. “Không phải Việt Cộng nông dân, mà là người Sài Gòn nằm vùng”
(Not Viet Cong peasants. Saigon underground man). Đình tin rằng hai Việt Cộng
này là người địa phương đã chờ đợi được gọi đi để chiến đấu cho Việt Cộng trong
cuộc tấn công. “Not communist Viet Cong man, communist underground man show
way”. Không phải là Việt Cộng của cộng sản, đây là cộng sản nằm vùng chỉ đường,
Đình nói. Mọi người khác ở Sài Gòn bấy giờ tin rằng tất cả Việt Cộng đều từ
trong rừng ra, nhưng Đình không tin như vậy. Và bây giờ tôi tin anh – cũng như
đáng lẽ tôi đã phải tin anh từ đêm trước.
Nhiều nhà báo đã tới
và đi trong trận này nhưng bây giờ chỉ còn vài người gần toà đại sứ. Huy hiệu
của Đại Sứ Quán đã bị Việt Cộng bắn tung và nằm dưới chân lối vào. Những cánh
cửa gỗ dầy mười phân bị thủng lỗ bởi hoả tiễn chống xe tăng, và bên trong, sàn
nhà phủ đầy máu và mảnh vụn. Những ký giả đứng quanh quẩn, hoài nghi hơn bao
giờ, không hiểu phía quân sự Mỹ sẽ nói gì bây giờ. Rõ ràng là ánh sáng đã không
còn tại cuối đường hầm.
Trên toàn quốc, hầu
như tại tất cả các thành phố và thị trấn tại Nam Việt nam, rất nhiều trận đánh
đang diễn ra. Nơi nào đó trong Sài Gòn, Việt Cộng tại một nhà máy, tại một
nghĩa trang, tại một toà nhà công sở ở Chợ Lớn, và tại trường đua. Nhưng trận
đánh tại toà đại sứ là cú đấm thục mạng vào nỗ lực chiến tranh đã hao mòn của
Mỹ. Ngay cà Đình cũng nói, hầu như không thể tin được, “The VC capture Pentagon
East”, Việt Cộng đã chiếm Ngũ Giác Đài phía Đông.
Thật ra, vụ thất bại
về tâm lý cỡ đó đã khiến bộ máy vận động quần chúng của Mỹ hoạt động ngay. Họ
gọi văn phòng Reuter phủ nhận tin tức của chúng tôi nói rằng Việt Cộng đã ở bên
trong toà đại sứ của họ. Tôi nói rằng chính tôi đã ở đó. Tôi mô tả cho người phát
ngôn rằng Việt Cộng đã bắn ra từ trong toà nhà như thế nào và rằng toà đại sứ
đã bị chính người Mỹ bắn vào vì họ không thể vào bằng cửa chính. Ông ta có vẻ
nhượng bộ. Sau đó họ thay đổi câu truyện để nói rằng Việt Cộng đã vào trong nhà
“nhưng không phải khu vực thực sự là toà đại sứ”, lập trường của họ suy thoái
thành sự chính xác của ngữ cảnh. Nhưng người dân trên toàn thế giới, và đặc
biệt là dân Mỹ, đã nhìn thấy hình ảnh, và đọc tin về Việt Cộng đã ở trong pháo
đài toà đại sứ như thế nào và họ sốc, kinh hoàng: trong nhiều năm, họ đã được
nghe rằng tình hình quân sự vẫn tiến triển và khá hơn mỗi tháng. Cuối cùng, thế
giới đã được biết nước Mỹ đang thua cuộc chiến đầu tiên.
Việt Cộng cũng tấn
công Phủ Tổng Thống đêm đó, họ gọi: “Mở cổng, chúng tôi tới giải phóng nơi
này”. Tuy nhiên, họ đã không phá nổi cổng, và bị đẩy lui vào một khách sạn đang
xây dở và cầm cự tại đó trong ba ngày, chống trả xe tăng và hàng trăm binh sĩ.
Võ khí đã được tàng
trữ tại những chỗ như hãng làm bia tại ngoại ô Chợ Lớn, trường đua ngựa, và khu
nhà máy mới xây gần phi trường từng được coi như một thành tích công nghệ hoá
được kịp thời hoàn thành tại Nam Việt Nam. Cơ sở này, một nơi Việt Cộng lẩn
trốn, đã bị chiến đấu cơ của chính quyền bỏ bom vài ngày sau.
No comments:
Post a Comment