‘Mừng chảy nước mắt’
khi Việt Nam chỉ có một người tham nhũng
July 9, 2017
Tư dinh giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Yên Bái. Đương sự
khẳng định, khối tải sản trị giá vài trăm tỷ đồng này là tiền để dành từ thời
trai trẻ do bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá... (Hình: Báo
điện tử Zing)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Phúc trình về hoạt động chống tham
nhũng của Thanh Tra Chính Phủ trong sáu tháng đầu năm 2017 chỉ có “một trường
hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.” Kết quả
này tiếp tục hài hóa các tuyên bố, hứa hẹn của giới lãnh đạo Việt Nam.
Theo báo điện tử Dân Trí, kết quả cuộc khảo
sát chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2006 do Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI)
công bố cách nay khoảng hai tháng thì Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, đứng hạng
137/176 và vì vậy vẫn thuộc nhóm các quốc gia mà tham nhũng là “vấn nạn nghiêm
trọng.”
Còn theo phúc trình về hoạt động chống tham
nhũng của Thanh Tra Chính Phủ, cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng tại
Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, chỉ có một cá nhân bị xác định là đã
“thiếu trách nhiệm” khiến cơ quan công quyền do cá nhân này phụ trách xảy ra
tham nhũng.
Cũng trong sáu tháng vừa qua, theo báo điện tử
Dân Trí, hệ thống thanh tra trải rộng từ trung ương đến các địa phương đã kiểm
tra 1,800 cơ quan và chỉ phát giác 22 cơ quan vi phạm các quy định về phòng
chống tham nhũng. Tổng số vụ tham nhũng đã được phát giác trong sáu tháng đầu
năm 2017 chỉ có 47 vụ, liên quan đến 66 viên chức.
Phúc trình không đề cập đến việc kê khai tài
sản, thu nhập của viên chức trong sáu tháng đầu năm 2017 mà chỉ công bố một số
số liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập của viên chức hồi năm
ngoái. Theo đó đã có hơn một triệu viên chức kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỉ
lệ 99.8%.
Báo này cũng cho hay công việc xác minh tài
sản, thu nhập chỉ thực hiện với 77 người trong tổng số trên một triệu người kê
khai năm 2016. Và đây lại là 77 cá nhân bị báo chí, dân chúng tố cáo chứ không
phải việc mà Thanh Tra Chính Phủ phải làm, nhưng cơ quan này vẫn không phát
giác được trường hợp nào “thiếu trung thực!”
Cần lưu ý là trong vài năm gần đây, cả dân
chúng lẫn báo giới liên tục công bố các thông tin, hình ảnh cho thấy vô số viên
chức giàu có bất thường, sống hết sức xa hoa trong những tư gia trị giá nhiều
tỷ đồng, chưa kể đang sở hữu, sử dụng những động sản (đồng hồ, điện thoại, xe
hơi) mà tại các quốc gia khác, chỉ có triệu phú mới đủ khả năng sắm.
Bị chỉ trích dữ dội, một số viên chức đã lên
tiếng phân bua. Ví dụ ông Trần Văn Truyền – cựu tổng Thanh Tra Chính Phủ, nhân
vật giữ vai trò chỉ huy trưởng của hệ thống chống tham nhũng – từng khẳng định,
khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng mà ông sở hữu là do “làm vườn đến thối
cả móng tay.”
Ông Nguyễn Sỹ Kỷ, phó Ban Nội Chính Tỉnh Ủy
Đắk Lắk, thì giải thích tư dinh có thủy tạ, hồ bơi và ba thửa đất với diện tích
lên tới cả hécta ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột được tạo lập từ tiền chạy
xe ôm mà ông đã dành dụm lúc còn trai trẻ.
Ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi
Trường tỉnh Yên Bái, cũng khẳng định khối tải sản trị giá vài trăm tỷ đồng là
tiền để dành từ thời trai trẻ do bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm
giá…
Hệ thống công quyền Việt Nam chấp nhận tất cả
những giải thích kiểu này và không làm gì thêm.
Trước sự phẫn nộ của công chúng, tại buổi công
bố phúc trình về họat động chống tham nhũng của Thanh Tra Chính Phủ trong sáu
tháng đầu năm nay, một viên thiếu tướng công an là phó thanh tra Bộ Công An,
tiếp tục phân bua.
Ông cho rằng hệ thống thanh tra các cấp cũng
“trăn trở” trước tình trạng nhiều viên chức giải thích rằng nhờ “nuôi lợn, nuôi
gà” mà họ có điều kiện tạo lập, thủ đắc khối tài sản khổng lồ như thiên hạ tận
mắt mục kích.
Theo lời viên tướng này thì dù chính quyền
Việt Nam buộc các viên chức phải kê khai tài sản, thu nhập nhưng không đặt định
các quy định nhằm hỗ trợ “truy nguyên nguồn gốc” nên hệ thống thanh tra có muốn
cũng không làm gì được. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment