THUÝ ĐÃ
ĐI RỒI…
T/S Alan
Phan
21 Aug 2013
![](https://www.gocnhinalan.com/wp-content/uploads/2013/08/thuy-da-di-roi-2.jpg)
Thu thích đi
vào những dạ hội đông người đẹp. Đây là cơ hội để nàng toả sáng trong một không
gian nhiều sắc mầu và đa dạng. Saigon vào những năm cuối của chế độ cũ không
nhiều người đẹp như bây giờ, vì chưa có một kỹ nghệ quảng cáo và PR để bơm thổi.
Những siêu sao có thể đếm trên đầu ngón tay…như Hoàng Lê Hợp của Truyền Hình Việt
Nam, như vài ba diễn viên và ca sĩ không còn nhớ tên hết
.
.
Nhưng trong
ký ức chủ quan của tôi, đây là những người đẹp hoàn hảo hơn. Dường như có chút
trí thức, có chút tâm hồn và một phong cách rất cổ điển. Không tạp nham, phản cảm
và có vẻ ngu si như bây giờ. (Chú thích của editor: với câu này, chú Alan vừa mất
95% cơ hội với các chân dài hiện đại).
Thu cao lớn,
nhưng mảnh dẻ, mặt như lai Âu Mỹ, với đôi mắt thật đen to, sáng rỡ, đặt trên một
thân hình cân đối vô cùng quyến rũ. Nàng thông thạo tiếng Anh như một người bản
xứ Mỹ, nhờ 5 năm làm với công ty Esso và Toà Đại Sứ Anh. Rất giỏi trong mọi kỹ
năng văn phòng, nhưng sau khi gặp nàng, không ai để ý chuyện đó. Họ (kể cả đàn
bà) đều bị hớp hồn vì gọng nói khàn khàn nhưng thật ngọt, và một môi cười làm
đoá hoa tươi nhất cũng thẹn thùng.
Hồi đó chúng
tôi (bên Do Thái và cả bên Việt nam) kiếm tiền khá nhiều trong mọi dự án đầu tư
nên văn phòng lúc nào cũng đầy tiếng cười. Nhưng với tôi, nhìn qua khung cửa
kính ngăn vách, bóng dáng Thu loay hoay trên bàn máy chữ hay telex, là những
khoảnh khắc của hạnh phúc bất chợt và yêm đềm.
Tôi đã tự
làm một lời thề trong thâm tâm là không bao giờ liên hệ yêu đương với ba đối tượng:
vợ người, nhân viên và sinh viên mình. Cho nên tôi giữ khoảng cách tôn kính vừa
đủ, dù trong tận cùng ao ước, tôi chỉ mong có ngày nàng “quit job” và cho tôi
cơ hội, dù tôi đã có vợ và một đứa con nhỏ.
Trong khi
đó, với vẻ đẹp quyến rũ “trời không dung, đất không tha” (mượn ngôn từ của một
đồng chí gì vừa nói về tội ác Mỹ Nguỵ), Thu có cả trăm cây si trong thế giới
thượng lưu của Saigon những năm đầu 70’s. Ngày nào, số lượng hoa và chocolat
cũng chất đầy văn phòng. Trong số đó, có 2 nhân vật thật nổi bật: ngài Bộ Trưởng
và ngài Phó Đại Sứ Mỹ.
Tôi thấy tội
nghiệp cho những người lỡ luỵ vì tình. Vài lần mỗi tuần, hai ngài đều ghé thăm
Thu với những món quà đắt giá. Nếu tôi hay ông boss M. có mặt tại văn phòng, 2
ngài phải cất công vào nói chuyện …thời tiết.. với chúng tôi rồi xin phép ra ngồi
cạnh bàn Thu, tỷ tê tâm sự. Cả khu phố thì bị vệ sĩ của các ngài cô lập an
ninh. Tôi và ông boss M. dù hãnh diện là hai ngài phải cất công từ các dinh cơ
để đến thăm tệ xá mình, nhưng lại lo là đặc công VC biết thì cả văn phòng tan
xác không biết lúc nào.
Thu thì có vẻ
yêu cả hai chàng cùng một lúc, hay hẹn hò đi chơi, dù 2 chàng đều đã có vợ.
Nhưng chẳng
ai muốn thay đổi gì. Thời kỳ vàng son luôn làm mờ mắt người trong cuộc. Thu và
2 chàng say mê với tình yêu. Tôi và boss M. thoả mãn với hiệu năng tuyệt vời của
các dự án, nhất là khi chúng tôi cần gì từ Bộ Kinh Tế hay Sứ Quán Mỹ; Thu chỉ mất
10 phút tối đa để lấy chữ ký trên những văn kiện mà người khác mất cả
năm.
Cho đến một
ngày tôi nhận tin Thu đang ở Bệnh Viện Đồn Đất (bây giờ là BV Nhi Đồng 2) vì uống
thuốc tự tử. Mọi việc đều có bề trái và tôi thực sự không biết những nỗi đau đằng
sau nụ cười tươi mát. Tôi đội mưa chạy vào phòng bệnh và Thu ôm tôi khóc nức nở.
Nàng ôm chặt tôi đến hơn 30 phút, áo tôi ướt đẫm vì những hạt mưa và nước mắt
nàng. Không nói một lời nào, chỉ khóc và khóc. Tôi đứng im trong mông lung của
những cảm giác mâu thuẫn, da thịt nàng chưa bao giờ rạo rực đến thế này. Tôi
mong trái đất ngừng quay để tôi đứng im mãi mãi trong siêu thoát.
Rồi nàng nằm
xuống, nhìn tôi rất âu yếm, tôi vuốt những giọt mồ hôi trên vài cọng tóc mai của
nàng. Nàng lấy tay tôi, ôm vào lòng và 15 phút sau, quay qua ngủ yên lành như một
đứa trẻ. Tôi tần ngần một lúc rồi quay về. Hôm sau tôi cho tài xế mang cho nàng
một bó hoa, một miếng bánh ngọt hình trái tim và một băng nhạc có 2 bài hát” Cười
lên đi em ơi…dù nước mắt rớt trên vành môi..” của Lê Hựu Hà; và bài If you go
away do Dusty Springfield hát.
Sau biến cố
đó, tôi hay đưa nàng ra quán “Con Nai Vàng Ngơ Ngác” ở Thủ Đức sau giờ
làm việc để thư giãn. Trong cái không gian thơ mộng và im vắng của khu rừng cao
su nhỏ, nàng cũng không bao giờ nói gì về chuyện tình của nàng hay lý do nàng tự
tử. Chúng tôi cười đùa với những mẩu chuyện vụn vặt, mặc cho tình hình tệ hại của
chiến tranh bắt đầu xâm nhập môi trường sống của thành phố. Mọi người muốn quên
và chạy trốn những sự thật, như chúng ta đang làm hiện nay.
Một lần nàng
theo vợ chồng tôi ra Vũng Tàu nghỉ cuối tuần, tôi còn nhớ khi nàng tắm xong chạy
lên bờ, tôi đã nhìn trân trân pho tượng Vệ Nữ trong bộ bikini mầu vàng. Vợ tôi
cấu nhéo đùi tôi thật đau, bây giờ vết sẹo nhỏ vẫn còn đó, và là dấu ấn duy nhất
Thu gián tiếp để lại trên thân xác tôi.
6 tháng sau
lần tự tử, nàng đi lấy chồng. Chồng Thu là tham vụ trong một sứ quán Bắc Âu,
còn trẻ, đẹp trai và dễ thương. Trong bữa tiệc chia tay với bạn bè, Thu nói có
lẽ nàng không bao giờ quay lại Việt Nam nữa. Nàng nói anh giữ gìn nó cho kỹ dùm
em, dù sao đây cũng là tình yêu đầu đời của em. Quê hương dù tang thương nhưng
em không bao giờ quên được. Tôi thất hứa với nàng, vì chỉ 1 năm sau, chúng tôi
cũng bỏ chạy như bầy chuột trong hỗn loạn. Ba năm sau, khi ở California, tôi nhận
một postcard của nàng từ Ghana, Thu bây giờ đã là một Đại Sứ Phu Nhân đài các.
Khoảng 1972,
nhà đạo diễn, diễn viên kiêm sản xuất (và đủ thứ hằm bà lằng) Nguyễn Long ghé
văn phòng tôi xin tài trợ cho cuốn phim “Thuý Đã Đi Rồi”. Anh gặp Thu, nói con
bé này thật tuyệt vời cho vai chính. Nhưng Thu từ chối. Ngày ra mắt phim, tôi ở
nước ngoài nên không dự. Rồi Long tổ chức nhiều buổi chiếu, tôi cũng không có
thì giờ để xem phim (ngày xưa không load được qua DVD hay Net). Tôi chỉ nhớ
khúc cuối khi hắn cho tôi coi đoạn người con gái bỏ đi trong mưa tầm tã và người
yêu đứng nhìn.
Thuý đã đi rồi,
đi thật rồi. Bỏ lại tôi và Việt Nam ướt lạnh trong cơn mưa cuối hè của mất mát
và thua lỗ. Thuý đi xa, rất xa….mang theo những ngày vui của tuổi không muốn lớn.
Mang theo cả một phong cách của một thời thanh cao. Bây giờ chỉ còn thô tục và
trần trụi…
Alan Phan
No comments:
Post a Comment