MẶT TRẬN VỊ XUYÊN HÀ GIANG 1981-1988:
Phạm Viết Đào.
Một số cựu chiến binh ở chiến trường Hà Giang, những người thường theo dõi và
yêu mến Blog Phamvietdaonv như Trần Anh Tuấn, Nguyễn Xung Kích, Nguyễn Tiến
Viên, Tô Văn Hùng, Bùi Quốc Hải, Đinh Xuân Thu, Nguyễn Quang Bài…đã nhiều lần
gọi điện, viết thư mời Phamvietdaonv lên Hà Giang, để chứng kiến, có thêm tư
liệu viết về cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu, khốc liệt và hình như đang bị
chôn vùi vào quên lãng. Các cựu chiến binh Hà Giang đã rất chăm chú theo dõi kỹ các bài viết về cuộc
chiến tại mặt trận Hà Giang trên blog của phamvietdaonv, nhưng đều lấy từ các
nguồn khác mà chưa được lấy từ chính mặt trận Hà Giang.
Do vậy, trong 2 ngày nghỉ cuối tuần vừa qua, ngày 23 và ngày 24/10, chủ blog đã
lên ôtô khách làm một cuộc dã ngoại lên Hà Giang để thăm lại chiến trường này.
Sau chuyến đi 2 ngày, chủ blog đã thu thập được nhiều thông tin quý giá và khá
phong phú về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới khốc liệt và anh hùng của quân
dân Hà Giang. Hiện nay chủ blog đang tập hợp và sẽ công bố dần trong ít giờ tới.
Dự kiến, Phamvietdaonv sẽ có loạt bài về mặt trận Hà Giang từ 1981-1988 với tiêu
đề chung: MẶT TRẬN VỊ XUYÊN HÀ GIANG 1981-1988: TRẬN STALINGRAD CỦA VIỆT NAM…
Sau khi đã đưa lên mạng theo thứ tự trong loạt bài là bài thứ 2 nhưng cho lên
trước nhằm mục đích “ chào hàng “, đó là bài: Bài 2: Nà Cáy trạm tiễu phẫu tiền
phương, một Di tích chiến tranh quý…đang được sử dụng làm chuồng dê… Kể từ bài
đó đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, chủ blog Phamvietdaonv đã gõ cửa nhiều tờ
báo “ lề phải “ thuyết phục họ đăng bài về mặt trận Hà Giang giai đoạn
1984-1988; thế nhưng đều không được mặn mà và chỉ nhận được nhứng cái lắc đầu tế
nhị…Chiều qua, chiều 26/11 blog Phamvietdaonv đã kiên nhẫn đến gõ cửa tờ báo thứ 5
nhưng cũng lại thất bại…
Vào quãng độ 2 giờ sáng nay, ngày 27/11 mình đột nhiên thức giấc, người lạnh
toát vì vừa thoát khỏi một cuộc rượt đuổi trong một cơn ác mộng. Điểm cuối cùng
mà mình bị dồn đến, đến đó thì mình tỉnh giấc đó là đến bên ngôi mộ của chú em;
Liệt sĩ Phạm Hữu Tạo, hy sinh tại cao điểm 772 trong trận đánh ngày 14/7/1984;
trong thực tế chú em mình không có mộ …Rất nhiều chuyện khủng khiếp mình đã bắt
gặp trong cơn ác mộng và không muốn kể lại. Tỉnh giấc mình ngộ ra: Có lẽ những
gì con người ta đã hứa với người của cõi âm thì cố gắng mà giữ lời hứa.
Khi lên thăm Vị Xuyên Hà Giang, đi qua những nơi còn ghi dấu những chiến tích ác
liệt mình đều thầm hứa với các liệt sĩ khi về sẽ bằng ngòi bút của mình viết lên
để mọi người không được quên vong linh và xương máu của các liệt sĩ…Thế nhưng
một tháng đã trôi qua mà mình vẫn chưa hòan thành được tâm nguyện và lời hứa đó.
Phải chăng vì thế mà mình gặp ác mộng chăng?
Từ hôm nay, mình sắp xếp thời gian để lần lượt công bố những hình ảnh thông tin
mà mình thu thập được trong chuyến lên Hà Giang trong tháng mười vừa qua trên
blog của mình. Vào buổi sáng nay, mình đã thắp hương khấn với linh hồn chú em, nhờ chuyển lời
xin lỗi tới các liệt sĩ về sự chậm trễ của mình.Rất mong các liệt sĩ đã hy sinh
trong các cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc nói chung và mặt trận Vị
Xuyên Hà Giang tha thứ cho sự chậm trễ của mình…
Ảnh: Từ trái sang phải Tô Việt Hùng, Thượng tá, Chủ nhiệm Tổng Hậu cần
Trung đoàn T 77; Cựu chiến binh Trần Tuấn Anh và Phạm Viết Đào...
Bài 1: Cuộc tao ngộ ở chốn Bồng Lai
Sáng 23/10 Nguyễn Xung Kích-Chánh văn phòng Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang đã bố
trí để mình gặp một số nhân chứng đã từng có mặt trong giai đoạn 1979-1989 tại
địa bàn Vị Xuyên Hà Giang tại trang trại của anh; trang trại có tên Bồng Lai khá
yên tĩnh và phù hợp với việc kể lại những câu chuyện về chiến tranh năm xưa.
Nguyễn Xung Kích nguyên là lính của trung đoàn pháo 411, chiến đấu ở mặt trận
Lai Châu, anh đẫ bố trí để tôi trực tiếp gặp các cựu chiến binh Trần Anh Tuấn,
người đã điều hành một cơ sở sản xuất 60 vạn mũi tên sắt để rào biên giới từ Hà
Giang sang tới Quảng Ninh, Tô Việt Hùng, Thượng tá, Chủ nhiệm Tổng Hậu cần Trung
đoàn T 77; Nguyễn Tiến Viên, nguyên pháo thủ của E (Trung đoàn ) 457, Sư 313,
Bùi Quốc Hải, Đinh Xuân Thu, Trợ lý hậu cần-Trung đoàn bộ binh 457, Nguyễn Quang
Bài, lái xe mặt trận…
Trước khi đưa lên mạng những câu chuyện do những nhân chứng kể lại với mình, xin
trích đưa một phần tư liệu về cuộc chiến tại Vị Xuyên-Hà Giang được đăng trên
mạng Quân Sử Việt Nam.
Ảnh từ phải sang trái: Tô Văn Hùng, Bùi Quốc Hải, Đinh Xuân Thu, Nguyễn Quang
Bài và Nguyễn Tiến Viên
MỘT SỐ DIỄN BIẾN ĐÁNG CHÚ Ý CỦA MẶT TRẬN VỊ XUYÊN-HÀ GIANG
Mặt trận biên giới Vị Xuyên - Yên Minh diễn ra từ tháng 4-1984 đến tháng 4-1989,
chia thành 4 thời kỳ :
- Từ 2-4-1984 đến 16-5-1984: địch tiến công lớn, ta phòng ngự.
- Từ 16-5-1984 đến 7-1-1987: ta củng cố phòng ngự, tổ chức tiến công một số điểm
bị chiếm đóng, địch tiếp tục tiến công lấn chiếm.
- Từ tháng 2-1987 đến tháng 12-1988: ta và địch đều ngừng tiến công lớn, chủ yếu
củng cố phòng ngự và bắn pháo.
- Từ tháng 12-1988 đến tháng 4-1989 : địch ngừng bắn phá và bắt đầu rút dần các
điểm lấn chiếm.
Phía ta 7 lần thay phiên các sư đoàn chủ lực lên chiến đấu:
-QK1 có eBB981, 982, 983.
-QK2 có fBB313, 314, 316, 356; lữ CB 543, lữ PB 168, lữ PK 297, eXT406, eTT604,
eVT652, các d đặc công, trinh sát, các đơn vị địa phương của BCHQS tỉnh Hà Tuyên
và eBB754 của BCHQS tỉnh Sơn La.
-Đặc khu Quảng Ninh có eBB568/fBB328.
-Các đơn vị chủ lực Bộ có fBB312/QĐ1, fBB325/QĐ2, fBB31/QĐ3, lữ PB 368/BTL Pháo
binh...
-Ngoài ra còn nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn, đại đội bộ binh và pháo binh cũng được
điều lên tham gia chiến đấu.
Khu vực Tây sông Lô :
- Từ đầu năm 84 đến 12-85 : fBB313/QK2 + fBB356/QK2.
- Tháng 5/85 : fBB313/QK2 + eBB2/fBB3/QK1.
- Tháng 12/85 : fBB31/QĐ3.
- Tháng 6/86 : fBB313/QK2.
- Tháng 2/87 : fBB356/QK2.
- Tháng 8/87 : fBB312 (-eBB209)/QĐ1 + e48BB/fBB390/QĐ1 + 2d/fBB308/QĐ1.
- Tháng 1/88 : fBB325/QĐ2.
- Tháng 9/88 : fBB316(-eBB98)/QK2.
- Tháng 5/89 : fBB313/QK2.
Ở hướng này khoảng 6 tháng ta thay quân một lần. Riêng fBB313/QK2có đợt chiến
đấu kéo dài liên tục gần 1 năm, gặp rất nhiều khó khăn.
Khu vực Đông sông Lô :
- Từ đầu năm 84 : eBB266/fBB313/QK2.
- Tháng 7/84 : eBB141/fBB312/QĐ1.
- Tháng 4/85 : eBB568/fBB328/ĐKQN.
- Tháng 11/85 : eBB818/fBB314/QK2.
- Tháng 2/87 : eBB881/fBB314/QK2.
- Tháng 9/87 : eBB818/fBB314/QK2 + 1d/eBB754 Sơn La.
- Tháng 6/88 : eBB728/fBB314/QK2.
- Tháng 10/88 : eBB247 Hà Tuyên.
Hướng phòng ngự Đông sông Lô gặp nhiều khó khăn hơn phía Tây, nhiều đơn vị phải
chiến đấu những đợt kéo dài 7-10 tháng.
Phía địch, đã dùng 20 lượt sư đoàn, 171 lượt trung đoàn đến đại đội tấn công lấn
chiếm vào đất ta 1-2km trên chính diện 11km. Cũng giống như ta, TQ cũng thay
phiên nhiều lượt quân đoàn, sư đoàn :
4/84 – 4/85 : fBB31/QĐ11, fBB32/QĐ11, fBB40/QĐ14, fBB41/QĐ14 ĐQK Côn Minh; fPB4
ĐQK Côn Minh.
12/84 – 5/85 : fBB1/QĐ1, fBB36/QĐ12 ĐQK Nam Kinh; fPB3 ĐQK Phúc Châu, fPB9 ĐQK
Nam Kinh.
5/85 – 6/86 : fBB138/QĐ46, fBB199/QĐ67 + 1e/fBB200/QĐ67 ĐQK Tế Nam; fPB12 ĐQK Tế
Nam.
4/86 – 5/87 : fBB61/QĐ21, fBB139/QĐ47 + 1e/fBB141/QĐ47 ĐQK Lan Châu, lữ PB1 ĐQK
Lan Châu.
4/87 – 4/88 : fBB79/QĐ27 + 1e/fBB81/QĐ27, fBB80/QĐ27 ĐQK Bắc Kinh; fPB14 ĐQK Bắc
Kinh.
4/88 – 10/89 : fBB37/QĐ13, fBB38/QĐ13 ĐQK Thành Đô.
Diễn biến chính :
Trên hướng đối diện QK2, từ tháng 1 đến tháng 3/84, địch điều 5 sư đoàn bộ binh
và 5 trung đoàn pháo binh chủ lực gồm 3 sư đoàn của QĐ14 đối diện Quản Bạ, Vị
Xuyên (Hà Tuyên) và 1 sư đoàn của QĐ11 đối diện Yên Minh (Hà Tuyên) cùng các đơn
vị biên phòng áp sát biên giới ta. Đến trước ngày 28/4/84, lực lượng địch tập
trung cho chiến dịch “Kỵ tuyến bạt điểm” lấn chiếm biên giới khoảng 6 sư đoàn,
trong đó 4 sư đoàn triển khai trên thê đội 1, tiến công hướng chính diện Vị
Xuyên – Yên Minh.
Trên hướng đối diện QK1, ĐK Quảng Ninh và hướng biển, địch tập trung 37 sư đoàn
bộ binh chủ lực và biên phòng, 8 sư đoàn không quân, hạm đội Nam Hải tiến hành
tập trận quy mô lớn để nghi binh, thu hút, phối hợp chiến trường.
Từ ngày 2-4 đến 27-4-1984, địch mở đợt pháo kích lớn trên toàn tuyến biên giới
(1 tuần sau khi ta tiến công lớn ở CPC ngày 26/3/84) với 28.300 viên đạn pháo
cối vào 205 mục tiêu, 20 khu vực của 6 tỉnh biên giới. Trong đó hướng Hà Tuyên
11.300 viên, Lạng Sơn 10.900 viên, Quảng Ninh 3.000 viên, Cao Bằng 2.150 viên,
Hoàng Liên Sơn 370 viên, Lai Châu 340 viên. Mật độ bắn phá cao nhất 6.000
viên/ngày, các mục tiêu trọng điểm chịu 1.000-3.000 viên/ngày. Mục tiêu nằm sâu
nhất bị bắn phá là thị xã Hà Giang (18km).
Riêng từ ngày 28-4 đến 30-4-1984, địch bắn 12.000 quả đạn pháo vào 6 điểm tựa
của ta để chi viện cho bộ binh của chúng tấn công đánh chiếm các điểm cao 226,
233, bình độ 300 - 400, 1509, 772, 685. Trong 2 ngày địch đã đánh chiếm được
226, 233, 772, 1509, bình độ 300 - 400, E1, 685 do eBB122/fBB313/QK2 của ta
phòng ngự.
Ngày 15-5-1984, địch mở đợt tiến công Đông sông Lô (từ điểm cao Si Cà Lá đến
M13) với lực lượng 1 trung đoàn tăng cường. Sau 1 ngày chiến đấu, địch đã chiếm
được các điểm cao 1030, Si Cà Lá, 1250, đài 2, M13 do eBB266/fBB313/QK2 và dBB3
Yên Minh của ta phòng ngự.
Như vậy, từ 28-4 đến 16-5-1984, địch đã chiếm và triển khai phòng ngự chốt giữ
29 điểm trên lãnh thổ VN. Trong đó có khu 1545, 1509, 772, 226, 233, 685/Vị
Xuyên (địch gọi là Lão Sơn), điểm cao 1030/Vị Xuyên (địch gọi là Đông Sơn), khu
1250, Si Cà Lá tức Núi Bạc/Yên Minh (địch gọi là Giả Âm Sơn). Chúng bố trí trên
hướng Vị Xuyên 1 sư đoàn phía trước, 2 sư đoàn phía sau; trên hướng Yên Minh 1
trung đoàn phía trước, 2 trung đoàn phía sau.
Trên toàn tuyến địch tiếp tục tiến hành các vụ pháo kích, tập kích, phục kích…
Từ 28/4/84 đến 26/5/84 đã bắn 43.670 viên đạn pháo cối, riêng Hà Tuyên 27.380
viên, Lạng Sơn 13.300 viên, Quảng Ninh 1.625 viên, Cao Bằng 960 viên, Lai Châu
340 viên, Hoàng Liên Sơn 170 viên.
Ngày 11/6/84, ta tiến công hiệp đồng bộ - pháo với quy mô trung đoàn, do
eBB876/fBB356/QK2 đánh 233, 685 không thành công.
Cuối tháng 6-1984, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định tổ chức tiến công lớn để giành
lại các chốt bị chiếm đóng. Lực lượng tham gia đợt tiến công này gồm 3 trung
đoàn : eBB141/fBB312/QĐ1 đánh 1030, Si Cà Lá; eBB174/fBB316/QK2 đánh 233, bình
độ 300 – 400; eBB876/fBB356/QK2 đánh 772, 685.
Ngày 12-7-1984, trên cả 3 hướng ta đồng loạt nổ súng tiến công địch. Tuy nhiên,
do công tác chuẩn bị chưa chu đáo, đánh giá địch không chính xác, quyết tâm và
cách đánh không phù hợp, nóng vội… nên trận tiến công thất bại, các đơn vị bị
tổn thất lớn.
Đến tháng 11-1984, Bộ Tư lệnh mặt trận hạ quyết tâm mở tiếp một đợt tiến công
vây lấn. Lần này các đơn vị có 4 tháng chuẩn bị.
Ngày 18/11/84, pháo binh ta bắt đầu bắn phá hoại các mục tiêu ở 300 – 400, 685.
Sau 5 ngày đêm, eBB14/fBB313/QK2 thực hành vây lấn ở 300-400, eBB153/fBB356/QK2,
tăng cường 1d đặc công thực hành vây lấn ở 685.
Đợt chiến đấu kéo dài từ 18-11-1984 đến 18-1-1985 (ta ngừng tiến công vào dịp
Tết Nguyên đán). Ta không chiếm được A5, không khôi phục được hoàn toàn 300 -
400, 685 nhưng đã giành lại được một số chốt, hình thành thế phòng ngự xen kẽ,
bám sát địch ở đồi Chuối, đồi Cô X, đồi Đài, A4, A21, khu Cót Ép, khu C và mỏm
E2, E3, E5 của 685, có nơi chỉ cách địch 15-20m. Cá biệt ở Bốn hầm, chốt của ta
và địch chỉ cách nhau 6-8m. Ở khu vực này cả 2 bên thay nhau phản kích, giành
giật chốt liên tục như ở Bốn hầm 38 lần, 685 41 lần, đồi Cô X 45 lần… Tuy nhiên
do địa hình hiểm trở, tiếp tế khó khăn, đến tháng 3/85 địch chiếm lại được E2,
E3, E5 ở 685.
Từ 27/5 đến 30/5/85, sau khi thay quân địch mở đợt tiến công lớn vào các điểm
tựa của ta ở đồi Đài, Cô X, bình độ 1100 (tây sông Lô) bị ta đánh bại.
Ta cũng mở một số trận tiến công hoặc tập kích bằng bộ binh và đặc công, trong
đó đáng chú ý nhất là trận tiến công chiếm lại A6B (31/5/85) và chốt giữ, đánh
bại 21 đợt phản kích của địch từ 1/6-13/6/85, trận tái chiếm điểm cao 400
(19/7/85)…
Từ 23/9 đến 25/9, địch mở đợt tiến công lớn vào các điểm tựa của ta ở đồi Tròn,
lũng 840, Pha Hán (đông sông Lô) đến đồi Cô X, 1100 (tây sông Lô) bị ta đánh
bại. Riêng ở Pha Hán ta mất chốt nhưng sau 1 ngày đêm đã tổ chức phản kích khôi
phục được trận địa.
Tháng 10 và 11/86, địch mở nhiều đợt tiến công vào khu vực bắc suối Thanh Thuỷ,
Pha Hán, Minh Tân đều bị ta đánh bại.
Từ 5 đến 7/1/87, địch mở đợt tiến công lớn với quy mô sư đoàn, trong 3 ngày bắn
hơn 100.000 viên đạn pháo cối để chi viện bộ binh tiến công các điểm tựa của ta
mà chủ yếu là đồi Đài và Cô X. Đợt tiến công này cũng bị ta đánh bại.
Từ sau đợt tiến công này, địch bắt đầu giảm dần các hoạt động lấn chiếm và bắn
phá. Chiến sự ở mặt trận biên giới Vị Xuyên dần dần lắng xuống. Ngày 21-12-1988,
lần đầu tiên địch ngừng bắn pháo vào Vị Xuyên, nơi chưa hề có một ngày im tiếng
pháo kể từ năm 1984. Từ năm 1989, địch giảm bắn pháo và rút khỏi một số điểm ở
phía Bắc suối Thanh Thủy.
Ngày 13-3-1989, địch rút khỏi 20 điểm chiếm đóng và đến tháng 9-1989, địch rút
khỏi 9 điểm còn lại.
Trong 5 năm tác chiến, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 15.000 tên địch, bắt 325
tù binh (bắt 6 tên trong chiến đấu và 319 tên thám báo, trinh sát đột nhập).
Đánh thiệt hại nặng 4 trung đoàn, 43 tiểu đoàn, 18 đại đội, 10 trung đội; đánh
thiệt hại vừa 4 tiểu đoàn, 5 đại đội, 4 trung đội; đánh thiệt hại nhẹ 4 tiểu
đoàn, 7 đại đội, 10 trung đội.
Phá hủy 100 khẩu pháo các cỡ, 100 khẩu súng cối các cỡ, tiêu diệt 13 trận địa
pháo cối, 170 xe vận tải, 130 kho tàng, 1.550 ụ súng, lô cốt, hoả điểm, đài quan
sát của địch...
Thu được 50 khẩu súng bộ binh, 50 máy thông tin cùng một số khí tài khác.
Địch bắn vào biên giới Hà Tuyên (chủ yếu là Vị Xuyên - Yên Minh) tổng cộng
1.858.613 quả đạn pháo cối, giai đoạn khốc liệt nhất là từ 1984-1987, ngày cao
nhất 61.115 quả.
( Nguồn: Quân Sử Việt Nam )
Được đăng bởi Phạm Viết Đào-Nhà văn vào lúc 17:14 Gửi Email Bài đăng Này
No comments:
Post a Comment