“Trong trách nhiệm Tham Mưu Trưởng/Tổng Cục Tiếp Vận, tôi xin thông báo đến quí vị và các bạn về tình hình chung và tình hình nội bộ Tiếp Vận của mình. Về tình hình chung, hiện nay theo Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu thì có khoảng 10 sư đoàn quân cộng sản bao quanh Sài Gòn và chúng đang áp sát ven ngoại ô. Điều đó cho phép dự đoán là chúng có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào mà chúng cho là thuận lợi. Về lực lượng phòng thủ của ta thì không có đơn vị nào nguyên vẹn, kể cả Nhẩy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Ngay cả Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân mới thành lập với Đại Tá Nguyễn Văn Lộc giữ chức Tư Lệnh, Đại Tá Vũ Phi Hùng làm Tư Lệnh Phó, và Đại Tá Cao Văn Ủy làm Tham Mưu Trưởng, cũng chỉ là sự kết hợp gấp rút các Liên Đoàn Biệt Động Quân cùng với vài đơn vị Pháo Binh và Thiết Giáp còn lại thôi. Về nội bộ Tiếp Vận, thì Trung Tướng Tổng Cục Trưởng và gần hết các sĩ quan cao cấp trong Tổng Cục Tiếp Vận, đã tự động rời khỏi nhiệm sở rồi. Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Tiếp Liệu Lục Quân và Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận, cũng thế. Còn tại các Cục, tôi nghĩ là các bạn biết rõ hơn tôi. Thông báo một tình hình như vậy, tôi muốn quí vị và các bạn tùy nghi vì tôi không có thẩm quyền về bất cứ vấn đề gì vượt quá trách nhiệm và quyền hạn của người Tham Mưu Trưởng Tổng Cục. Tôi có bấy nhiêu lời, và nếu không có điều gì cần hỏi, tôi xin chào quí vị, chào các bạn, vì trong chúng ta không ai biết được những gì sẽ chợt đến với mình trong những ngày tháng sắp tới -
Sở dĩ phải nói lời chào ngay vì tôi thấy Đại Tá Nguyễn Tử Khanh có vẻ như muốn rời phòng họp. Quả thật, hơn tiếng đồng hồ sau đó, Đại Tá Cao Văn Phước, Cục Phó Cục Quân Vận cho tôi biết là Đại Tá Khanh đã vội vã xuống Giang Đoàn Vận Tải và đi rồi.
Lúc 3 giờ chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975, Trung Tướng Vînh Lộc -đã một thời là Tư Lệnh Quân Đoàn II, rồi Chỉ Huy Trưởng Trường Cao Đẳng Quốc Phòng- vào nhận chức Tổng Tham Mưu Trưởng. Cùng lúc, Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhận chức Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu. Và một vài Đại Tá nhận chức Trưởng Phòng. Đại Tá Nguyễn Khắc Tuân, chánh văn phòng Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Đại Tá Tuân gọi tôi lên trình diện Trung Tướng tân Tổng Tham Mưu Trưởng:
“Chào Trung Tướng”.
“Chào anh. Những vị Tướng cầm quyền đã chạy hết rồi. Bây giờ chúng mình hãy cùng nhau cố gắng nhiệm vụ trọng đại của Quốc Gia. Vào giờ phút lâm nguy này mới thấy được giá trị của mỗi người như thế nào đối với Tổ Quốc”.
“Thưa Trung Tướng, giờ này tôi có mặt ở đây và đang trình diện Trung Tướng, trong khi các cấp chỉ huy trên tôi đã rời khỏi nhiệm sở, và các cấp chỉ huy dưới tôi cũng vậy, có nghĩa là tôi vẫn tiếp tục trách nhiệm của tôi, thưa Trung Tướng”.
“Nhiệm vụ yểm trợ Tiếp Vận cho các đơn vị phòng thủ Sài Gòn, tôi trông cậy vào anh”.
“Vâng. Tôi đã và đang làm tất cả những gì thuộc về trách nhiệm của tôi, và tôi vẫn tiếp tục như vậy. Và nếu không có vị nào khác thì xin Trung Tướng cử Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức vào chức vụ Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận, vì tôi được biết Chuẩn Tướng Chức sẳn sàng nhận chức vụ này, thưa Trung Tướng”.
“Anh sẽ có vị Tổng Cục Trưởng ngay hôm nay”.
“Vâng. Chào Trung Tướng”.
Lúc 5 giờ chiều 29 tháng 4 năm 1975, Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức, trước là Cục Trưởng Cục Công Binh, kế đến là biệt phái sang phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách khẩn hoang lập ấp, đến nhận chức Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận. Một chức vụ mà Chuẩn Tướng Chức đã hơn một lần tự ông đề nghị thẳng với Trung Tướng Khuyên đề nghị lên cấp trên bổ nhậm ông vào đó. Chuẩn Tướng Chức, trong thời gian sinh hoạt trong "Nhóm Đời Mới" -tôi cũng là một thành viên trong Nhóm- của cụ Trần Văn Ân, có lần nói với tôi rằng "lên đến Tướng là phải hoạt động chính trị và ông cũng nói thẳng là ông muốn nắm giữ chức vụ cao hơn là Cục Trưởng nếu vẫn phục vụ trong quân đội, vì ông tự thấy khả năng của ông như vậy, và đó mới là tương lai sự nghiệp của ông. Chuẩn Tướng Chức là người rất hoạt động, khi ông tham gia công tác với đơn vị Công Binh của ông thì ông làm nhiệt tình như bất cứ người lính Công Binh nào, và trong những trường hợp như vậy ông rất thích được phóng viên báo chí tiếp xúc. Chuẩn Tướng Chức là mẫu người rất nhiệt tình trong trách nhiệm, và ông cũng rất muốn được xuất hiện trong sinh hoạt chính trường.
`Tôi trình bày tình hình chung và tình hình riêng của ngành Tiếp Vận như đã cung cấp cho các vị chỉ huy Tiếp Vận trong buổi họp ngắn ngủi lúc 2 giờ, và tình hình yểm trợ Tiếp Vận cho các đơn vị chiến đấu. Chuẩn Tướng Chức viết tay lệnh bổ nhiệm Đại Tá Trần Văn Lễ (đang là Chỉ Huy Trưởng Trường Tiếp Vận) trở lại chức vụ Cục Trưởng Cục Quân Tiếp Vụ. Các vị Cục Trưởng đã bỏ nhiệm sở thì ông cử các vị Cục Phó giữ chức Quyền Cục Trưởng.
“Bây giờ xin phép anh tôi về nhà dùng cơm rồi trở lại ngay. Trong thời gian đó nếu có đơn vị nào xin yểm trợ thì anh bảo họ điện thoại cho tôi và tôi giải quyết”.
“Được rồi, anh về đi. Anh có cần xe mở đường không vì đường phố đông nghẹt người với xe cộ đó?
“Cám ơn anh. Không cần đâu anh”.
Không chỉ là đường phố đông nghẹt người mà là hỗn loạn chưa từng thấy! Áng chừng 6 cây số mà phải gần 2 tiếng đồng hồ tôi mới về đến nhà. Dọc đường, tiếng gọi nhau chạy loạn vang vang cả một quảng dài, đúng là "loạn thì lạc!". Trời tối hẳn, những chiếc trực thăng Hoa Kỳ thả "hỏa châu" chiếu sáng liên tục, để từng đoàn trực thăng phụ trách "di tản" thi hành nhiệm vụ. Nhiều phi tuần khu trục phản lực cũng của Hoa Kỳ, gào thét trên không phận thủ đô để sẳn sàng tấn công các đơn vị cộng sản nếu như trực thăng vận tải của họ bị bắn hạ, trong khi đạn phòng không của cộng sản tua tủa vọt lên khoảng không gian bé nhỏ vừa tối lại vừa sáng!
Trong những năm chiến tranh dữ dội, nhất là trong trận chiến "mùa hè đỏ lửa năm 1972", ngày cũng như đêm, người dân Sài Gòn rất quen với tiếng động cơ phản lực chiến đấu, từng đôi từng đoàn, xé không gian lên đường đánh địch bằng hỏa lực mãnh liệt mà nó được các nhà chế tạo Hoa Kỳ nghiên cứu trang bị, và quen đến mức nếu như vắng âm thanh đó thì họ cho là chuyện không bình thường. Bẳng đi một thời gian khá lâu, đêm nay, âm thanh đó trở lại, nhưng là trở lại để đánh dấu một tình huống bi thảm của dân tộc Việt Nam sau hai thập niên chiến đấu vì Dân Chủ Tự Do!
Cơm xong tôi ra xe, nhưng đến 10 giờ đêm mà vẫn chưa ra đến đường Tô Hiến Thành mặc dù chỉ cách nhà tôi hơn 100 thước. Chừng như tất cả mọi người đều đổ xô ra khỏi nhà để tìm đường sống vậy! Tôi xuống xe và chen nhau từng bước giữa khối người là người mới trở vào được trong khu cư xá do các thanh niên trong cư xá canh gác bảo vệ, vì ngay ngoài cổng trước của cư xá đã có vài nhà bị cướp giật rồi. Tôi điện thoại sang Tổng Cục Tiếp Vận:
“Chào anh Chức, Hoa đây anh. Bây giờ tôi không có cách nào ra ngoài cư xá được vì hỗn loạn đến mức không sao tưởng tượng nỗi. Anh cho phép tôi ở nhà, tất cả điện thoại về nhu cầu Tiếp Vận anh chuyển sang cho tôi và tôi giải quyết ngay. Công việc của Tổng Cục mình bây giờ thu gọn lắm rồi anh. Hàng tiếp liệu cho các đơn vị chỉ gồm nhiên liệu và đạn dược, tôi cho lên xe sẳn sàng tại các kho để cung cấp thật nhanh theo yêu cầu. Anh an tâm”.
“Được rồi. Có gì tôi gọi anh”.
Vài trái đạn đại bác của quân cộng sản đã nổ bên ngoài khuôn viên cư xá nhưng chưa gây thiệt hại quan trọng nào. Phi trường Tân Sơn Nhất chắc là bị pháo kích nhiều, vì tôi nghe tiếng đại bác nổ liên hồi ở hướng đó. Trong cư xá có 1 đại đội Nhẩy Dù từ trên căn cứ Hoàng Hoa Thám (đầu phi trường Tân Sơn Nhất phía Hóc Môn) rút về đây, và cư dân an lòng đôi chút vì có lực lượng phòng thủ.
Gần nửa đêm, Đại Tá Trương Đình Liệu, Chỉ Huy Trưởng Tổng Kho Long Bình, điện thoại tôi:
“Trình anh là tôi đã cho triệt thoái toàn bộ về đây rồi. Chờ lệnh Tổng Cục hoài không thấy, đến khi các đơn vị trong căn cứ Long Bình rút lui, tôi liền cho anh em theo họ”.
“Anh hành động đúng thôi. Chuẩn Tướng Chức nhận chức Tổng Cục Trưởng lúc chiều, ông ấy không ra lệnh thì tôi làm gì được. Về yểm trợ thì tôi lo được, nhưng ra lệnh rút lui thì tôi đâu có thẩm quyền. Anh hiểu tôi rồi hén”.
Khoảng 2 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, điện thoại (nhà tôi) reo:
“Đại Tá Hoa tôi nghe”.
“Trung Tướng Lộc đây anh. Lúc nảy, Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh có xin tiếp tế xăng và đạn, không biết là họ liên lạc với anh chưa?
“Chuẩn Tướng (Lê Trung Tường) Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn III có gọi tôi, và tôi đã cung cấp rồi, thưa Trung Tướng”.
“Cố gắng nghe anh Hoa”.
“Vâng. Tôi đã trình bày với Trung Tướng chiều qua rồi, tôi vẫn thi hành nhiệm vụ của tôi cho đến khi nào tôi không thể tiếp tục được nữa, thưa Trung Tướng”.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, Thiếu Tá Ông Kim Miêng, chánh văn phòng Tổng Cục Phó, và từ chiều qua là chánh văn phòng Tổng Cục Trưởng, từ văn phòng Tổng Cục Tiếp Vận điện thoại tôi:
“Thưa Đại Tá, Chuẩn Tướng Chức đã lên xe đi rồi”.
“Chuẩn Tướng đi một mình hay đi với ai vậy anh?
“Dạ đi một mình. Chuẩn Tướng đi mà không xách cái cặp theo, và cũng không cho xe hộ tống (xe có còi hụ mà chiều qua ông mang đến) theo nữa”.
“Thôi được. Sáng sáng một chút, tôi tìm cách đến Tổng Cục hẳn hay”
Tiếp đó điện thoại lại reo:
“Đại Tá Hoa tôi nghe”.
“Đài đây anh (Đại Tá Nguyễn Hồng Đài). Lúc 10 giờ sáng nay (tức 30/4/1975) "Ông Già" sẽ công bố giải pháp chính trị, anh theo dõi trên đài phát thanh Sài Gòn nghe”.
“Nhưng mà nội dung giải pháp là gì?
“Trung lập, như tôi nói với anh đó”.
“Vậy là tôi chuẩn bị. Cám ơn anh”.
Đến đây tôi xin mở ngoặc để nói đến 2 điều cho vấn đề được rõ thêm.
Điều thứ nhất. Khoảng năm 1998, tôi có dịp gặp anh Nguyễn Hồng Đài tại thành phố Houston, tiểu bang Texas. Sau khi thăm hỏi nhau, anh xác nhận lời anh đã nói với tôi là đúng như trong quyển Đôi Dòng Ghi Nhớ, nhưng về thời gian thì sai. Anh nói không phải rạng sáng 30 tháng 4 mà là rạng sáng 29 tháng 4, vì tối 29 tháng 4 anh đang trên tàu ra biển. Trí nhớ của tôi vẫn ghi nhận lời anh nói vào rạng sáng 30 tháng 4, vì đây là đêm đầu tiên tôi “bị” ngủ tại nhà sau 3 tuần cắm trại ngủ tại văn phòng tôi (Tổng Cục Tiếp Vận) trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu, và tôi tiếp chuyện điện thoại với anh lúc tôi từ cửa sổ nhà tôi nhìn lên bầu trời với những âm thanh gào thét của những chiếc phản lực cơ Hoa Kỳ bao vùng yểm trợ cho trực thăng đưa người di tản. Vì vậy tôi vẫn viết lại đây theo trí nhớ của tôi.
Và điều thứ hai. Khi tôi nói "tôi chuẩn bị", tức là tôi chuẩn bị rời khỏi Việt Nam ngay sau khi Tổng Thống Minh tuyên bố trung lập. Nghĩa là tôi và gia đình dự trù rời khỏi Việt Nam nhưng không đi trước khi có giải pháp chính trị, mà ra đi trong lúc giao thời dù chỉ trong ngắn ngủi. Chúng tôi dự trù 6 gia đình, trong số này có 2 gia đình thuộc phi hành đoàn C130, dùng chiếc C130 sang Singapore để đi Australia, vì tôi được sự giúp đỡ của người bạn gốc Trung Hoa trong công ty INTRACO tại Singapore, nối liên lạc với cơ quan ngoại giao Australia tại đó và đã được đồng ý. Xin đóng ngoặc.
Vừa mờ sáng là tôi lên xe. Hướng ngã tư Bảy Hiền -nơi trở thành tiền tuyến- có nhiều tiếng súng trường và tiểu liên, nên không có người đi lại bao nhiêu, và tôi cho xe chạy ngang chợ ông Tạ rồi rẽ sang Võ Tánh nối dài. Quân cộng sản chưa xuống đến ngã tư Bảy Hiền, và tôi an toàn đến Tổng Tham Mưu. Đến, nhưng không được phép vào.
Chuyện như thế này: Trung Tá Tòng, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Bộ Tổng Tham Mưu đã tháp tùng Đại Tướng Cao Văn Viên đi ngoại quốc từ mấy ngày trước, và Trung Tướng Vĩnh Lộc cử Đại Tá Trần Văn Thăng -sĩ quan An ninh quân đội- giữ chức Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu đang khuyết. Đại Tá Thăng ra lệnh cho toán Quân Cảnh gác cổng số 1 Bộ Tổng Tham Mưu, không cho bất cứ ai vào nếu không có thẻ an ninh do Sĩ quan an ninh Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu đã cấp. Tôi có thẻ, nhưng không bao giờ mang trên túi áo mà là để trong cặp xách tay, và cái cặp thì tối qua tôi vẫn để trên bàn viết ở văn phòng. Tôi làm như vậy là vì tất cả những quân nhân trách nhiệm ở cổng gác này, không ai là xa lạ với tôi cả. Sĩ quan Quân Cảnh nói:
“Đại Tá thông cảm, vì lệnh của Đại Tá Thăng như vậy nên tôi phải thi hành”.
No comments:
Post a Comment