Tuesday, November 9, 2010

BAUXITE và TƯ CÁCH NHÀ VĂN ( Que Choa )


BAUXITE và TƯ CÁCH NHÀ VĂN


 

Quê choa xin giới thiệu hai bài viết mới nhất của hai nhà văn, một của Lã Thanh Tùng, một của Vũ Ngọc Tiến về vấn đề  Bauxite ở Tây Nguyên, qua đó có thể biết tư  cách của nhà văn   Việt Nam hiện thời đang ở đâu và diễn ra như thế nào trước mỗi sự biến của đất nước. Nhà văn chữ nghĩa kín đáo, mong bà con đọc kĩ mới hiểu hết tâm địa của họ.

( Bai nay duoc viet khi tai nan o Hungary chua xay ra )

BAUXIT… VÀ NHỮNG ĐIỀU KHÁC
Bút ký của LÃ THANH TÙNG
Chuyến đi “bauxit” của chúng tôi diễn ra trong những ngày siêu bão Ketsana hoành hành dữ dội khắp vùng Tây Nguyên, Trung Bộ. Bão là sự trở chứng của thời tiết, tàn phá mọi thứ dám cản đường nó. Nhưng trong tâm trí chúng tôi dường như còn có cơn bão khác “hiểm” hơn, cơn bão của những luồng thông tin và nhận thức trái chiều, xoay quanh một chủ trương tưởng như rất bình thường của cuộc sống.


Trước khi đi, tôi đã kịp tìm hiểu một số nguồn tài liệu để có những kiến thức đầu tiên. Nhưng những gì tôi đọc được, nghe và chiêm ngưỡng, rõ ràng là một mớ bùng nhùng. Cụ thể, có thể phân làm hai loại:
- Phái chủ động, chưa kể Bộ Chính trị và Chính phủ, thì luôn bao gồm Bộ Công thương, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Lãnh đạo các địa phương có bauxit, và một số nhà khoa học nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhôm, khoáng sản. Ý kiến của họ khá giản dị: Chúng ta có tài nguyên, Tây nguyên lại đang nghèo. Vậy làm sao để khai thác tốt, đánh thức những tiềm năng to lớn, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Phái phản biện, khá đông, bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức, đặc biệt là giới trí thức Việt kiều, những người tự nhận là tỉnh táo, độc lập tư duy, chống tham nhũng, chống độc quyền, độc đoán trong xã hội. Căn cứ để họ phản biện thường là: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, các dự án có người nước ngoài vào sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc phòng. Tây nguyên là mái nhà Đông Dương, tập trung rừng đầu nguồn của nhiều dòng sông, bùn đỏ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. Rồi Tây nguyên đang thanh bình, các dự án hiệu quả chưa thấy đâu, nhưng rất dễ phá vỡ cảnh quan, mất bản sắc văn hóa các dân tộc, bần cùng hóa người bản địa…
Rồi để thuyết phục những cái đầu còn lúng túng như tôi, người ta đã kể rỉ rả về vùng than Đông Bắc, như một ví dụ đối sánh, với những cụm từ đáng kinh hãi như: “lở loét”, “vùng đất chết”, “thổ phỉ”… Rồi về Tây Nguyên là những cụm từ: “Nước ngoài còn chạy”, “Quốc hội đã tìm cách lách luật”, “Thủ tướng bị kiện ra Tòa”, “Bauxite.com được nhiều người truy cập nhất”… Chưa kể những “phóng sự nóng” đưa hình ảnh người nước ngoài “tràn ngập” Tây Nguyên, “xô sát” với người địa phương, “cướp vợ”, “sinh con đẻ cái cố thủ chiếm đất”… Ôi chao, toàn những tình tiết hãi hùng.
Nếu bảo khai thác bauxit để xây dựng đất nước, đánh thức tiềm lực để kiến thiết tương lai, thì tại sao lại ồn ào và khó đồng thuận đến vậy? Chả lẽ những người có trách nhiệm đã làm điều gì không phải, để dư luận phải nổi sóng nổi gió? Và còn hơn nữa, như thể đứa trẻ giữa khu rừng đêm, tôi còn phải nghe những lời cảnh báo từ đủ các phía quan hệ. Phía phản biện thì đã rõ, họ nói như đã bỏ túi một chân lý: “Cứ thu thập thật nhiều chứng cứ, không viết được bây giờ thì để về sau, tư liệu sẽ càng có giá”. Bạn hữu thì thận trọng: “Xem cho biết đã nhé, đừng vội xuống bút”. Còn người thân thì lo lắng: “Có vẻ lành ít dữ nhiều, cân nhắc xem có nên đi?”.
Vâng, và những gì tôi mang theo như hành trang, đã thực sự làm đường xa thêm mịt mù, khắc khoải.
CHUYẾN BAY DÔNG BÃO
5 giờ sáng ngày 28-9, các thành viên lục tục có mặt để ra xe lên Nội Bài. Trời quang mây tạnh, tôi tranh thủ phỏng vấn ông Đỗ Xuân Lý, Trưởng phòng Thi đua Tuyên truyền Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), xem các sếp Tập đoàn có gửi gắm gì không. Nụ cười vui vẻ nhẹ nhõm cùng cái phẩy tay của ông làm tôi ngạc nhiên: “Có gì đâu mà phải gửi gắm? Các anh vào theo tính chất của các anh, chúng tôi có mối quan tâm của chúng tôi. Chúng ta có 0% cho mối quan hệ”. Ui cha! Chả lẽ vậy? Phải chăng TKV đang rất an nhiên tự tại?
Chuyến bay xuất phát đúng giờ, nhưng từ phía chân trời, những khoảng thẫm mịt mù lại đang mỗi lúc một thêm xậm xịt. Thỉnh thoảng chiếc Boing 777 lại hẫng đi như rơi vào một hố đen huyền bí nào đó, khiến hành khách vài người có chút hoảng hốt. Nhà bay thông báo về thời tiết xấu, động viên “các thượng đế” bình tĩnh, thắt chặt đai an toàn. Nhưng những cú sóc cứ mỗi lúc một mau, một dữ.
Về đến Tân Sơn Nhất, chúng tôi rùng mình khi thấy cây cỏ đổ rạp. Gió khá to, quất đùng đùng trên máng thiếc, mái tôn. Nhà ga thông báo do ảnh hưởng của cơn bão số 9, các chuyến bay trong nước đã tạm ngừng hoạt động. Hú vía, chúng tôi đã là những người cuối cùng vượt trước dông bão.
Chuyến xe Pajero Mitsubishi việt dã hai cầu trờ tới. Cả đoàn thống nhất không rẽ vào Thành phố, mà đi ngay Tây Nguyên, đề phòng sự bất trắc của thời tiết. Những trảng tiêu, rừng cao su vun vút lùi sau, liên tục mở ra cảnh núi đồi trùng điệp. Dừng xe ăn trưa tại một quán bên đường gần Ma Đa Gui, tiếp giáp giữa Đồng Nai và Lâm Đồng, chúng tôi gặp khá nhiều người áo mưa trùm đầu, vội vã trong cuộc chạy bão. Tôi băn khoăn tự hỏi, không hiểu trong số họ có bao nhiêu người đang phải lo sợ cho cảnh “vườn hoang tay trắng” sắp tới?
Về đến Thị trấn Bảo Thắng, Phóng viên ảnh Phan Hữu Đố lăm le giương ống kính qua cửa sổ định chụp mấy kiểu. Nhưng phần vì xe lắc, phần do mưa đã nặng hạt, trời đất âm u, anh đành thu dọn, thở dài sườn sượt. Chiếc xe nhảy cóc qua mấy vũng nước, rồi rẽ vào Tân Rai, tìm khu Dự án Tổ hợp Bauxit- Nhôm Lâm Đồng. Cứ tưởng sắp được khô ráo, nào ngờ tiếng phanh bỗng rít lên. Thì ra tranh tối tranh sáng, bác tài không nhìn rõ đường đã đưa chúng tôi đến sát mép… một hồ nước! Hú vía, chút nữa cả đoàn được ngao du “sơn thủy”.
Mãi đến gần 5 giờ chiều, “con chiến mã” mới vào được khu văn phòng Ban Quản lý. Mấy dãy nhà lợp tôn sóng Ausnam đứng trơ vơ giữa khu đồi trống trải. Lác đác mấy bóng người ngả nghiêng đi trong chạng vạng.
Cốc cà phê nóng cô văn thư mang đến chưa kịp làm ấm người đã thấy Giám đốc Dự án Phan Bội Lợi xuất hiện trước cửa. Anh người nhỏ nhắn, nhưng săn chắc, nhanh nhẹn, với ánh nhìn thân thiện. Tôi ngầm so sánh với những người TKV trước đây vẫn gặp (thường vâm váp, đường bệ, đĩnh đạc), và thầm tự hỏi, chẳng lẽ nắng gió Tây Nguyên cũng chấp nhận vóc người này?
Có vẻ như không muốn để khách phải đợi lâu, Giám đốc Lợi thành thật:
- Các anh đi đường xa, chắc mệt. Nhưng nếu cố gắng được, chúng ta nên tranh thủ vào việc, để mai tôi lại bận làm việc với Huyện.
Còn “cố” với “gắng” gì nữa, chính chúng tôi cũng đang muốn giục anh, để sớm giải tỏa những gì đang sôi réo trong lòng. Những tấm bản đồ, những cặp tài liệu, những hồ sơ bản vẽ đủ loại lập tức giăng kín văn phòng. Tay máy Phan Hữu Đố xoay tứ phía, bắn như liên thanh. Cây bút trên tay tôi cũng tới tấp cày xới vòng vèo khắp cuốn sổ. Có lẽ chỉ cô văn thư còn tỉnh táo thỉnh thoảng ra vào theo dõi trời trăng.
Giám đốc Lợi đã giới thiệu tổng hợp Dự án Nhôm – Bauxit Lâm Đồng với chúng tôi một cách tỷ mỷ. Và cùng với những người sẽ tiếp quản cơ ngơi sau này là Giám đốc Công ty Bauxit Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Tân Rai) Lê Việt Quang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Alumine Nhân Cơ (gọi tắt là Nhân Cơ) Nguyễn Phú Dương, Trưởng đoàn Tư vấn đầu tư và Giám sát NARIME Nguyễn Hải Hà, những cán bộ công nhân làm bauxit, nhiều cán bộ và người dân địa phương… những ngày hôm sau, các anh đã dần dần mở ra cho chúng tôi một cái nhìn toàn cảnh, những cũng khá chi tiết, về một chiến lược gây rất nhiều tranh cãi thời gian qua.
NHỮNG THÔNG SỐ CƠ BẢN
Nhìn tổng thể, Tân Rai (cũng giống như Nhân Cơ bên Đắc Nông, cách nhau 80 km) là một tổ hợp khai thác và tinh luyện bauxit. Công suất của Tân Rai là 4,3 triệu tấn quặng/năm, sơ tuyển lấy 1,6 triệu tấn quặng tinh, chuyển băng tải về nhà máy thủy luyện, cuối cùng được 650.000 tấn alumin/năm. Tổng vốn đầu tư toàn cụm Tân Rai là 11.300 tỷ đồng (tức khoảng 600 triệu USD). Tổng diện tích sử dụng trong 30 năm là 26 km2 (trong 5 năm đầu chỉ 16 km2).
Về công nghệ khai thác, đây là mỏ lộ thiên. Lớp đất mặt 0,9 mét được gạt đi, các vỉa quặng lộ ra (sâu đến 4 mét) chỉ việc bốc lên xe chở đến bãi sơ tuyển. Sau đó, những hố trống đã khai thác lập tức được hoàn thổ. Làm từ các vị trí (bloc) thấp, lên cao dần. Nhu cầu khai thác đến đâu, đền bù giải tỏa đến đấy. Cuối cùng là trồng cây lên trên, mà là cây do bên môi sinh nghiên cứu hẳn hoi, để đảm bảo hệ sinh thái.
Về công nghệ tuyển tinh, có hai giai đoạn.
Giai đoạn I: quặng được đưa qua sàng quay 2 lần, dưới tác dụng của nước xối và trọng lực, bùn thải bị trôi đi, còn lại Al(OH)¬3 (tức Hydroxit Nhôm). Rồi quặng này tiếp tục phải qua máy đập, để kích thước rút xuống chỉ còn cỡ nhỏ hơn 2×2 cm.
Giai đoạn II: Dùng công nghệ Bayer, với phản ứng cơ bản là:
Al(OH)3 + NaOH ↔ NaAlO2 + 2H2O
Phản ứng này được thực hiện trong các tháp đặc biệt, ở điều kiện áp suất 4 đến 5 át (gấp 4 đến 5 lần áp suất khí quyển), nhiệt độ 145oC.
Phản ứng trên có nghĩa là: Ôxit nhôm Al2O3 chiếm 47-49% trong Al(OH)3 được xút nóng (NaOH) hòa tan, rồi được rút sang giai đoạn lọc, nung để lấy thành phẩm, còn lại các ôxít sắt, ôxít titan, và ôxít silic… (hỗn hợp các ôxít lẫn xút này gọi là bùn đỏ) được thải ra hồ chứa.
Chỉ riêng nhà máy tuyển tinh này đã gồm 3 nhà máy con: Tuyển, điện, và khí hóa than, với tổng mức đầu tư là 466 triệu USD. Mức độ hiện đại của nhà máy thể hiện ở nồng độ PH 10,3%, nhỏ hơn mức 12% cho phép.
Công nghệ tuyển Bayer như ta dùng cho các dự án Bauxit Tây Nguyên, hiện chiếm 26 trên 27 dây chuyền của thế giới. Nghĩa là gần như phổ cập tuyệt đối.
Về tác động môi trường, đầu tiên phải tính đến sự tiêu tốn nước. Nước cần cho khâu rửa quặng giai đoạn tuyển thô, cho khâu xút hóa giai đoạn phản ứng tuyển tinh, nên rất tốn. Tuy nhiên, những số liệu chúng tôi thu nhận được lại nói lên điều ngược lại: Các dự án bauxit ở Tây Nguyên đang góp phần giữ nước cho vùng đất khô khát này. Sự thể sẽ nói kỹ ở phần sau, nhưng ở đây tôi muốn đề cập đến câu khẳng định của ông Nguyễn Hải Hà, Giám đốc Trung tâm Thiết kế Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME), Bộ Công thương, Trưởng đoàn Tư vấn Đầu tư và Giám sát các dự án bauxit nhôm TKV: “Ai nói Tây Nguyên bị vắt kiệt nước là nói ngược”.
Một đề tài gây tranh cãi thuộc loại nhất, đó là bùn đỏ. Ai cũng biết, bùn đỏ không phải là chất độc hại. Nó cũng giống như nước xà phòng khi ta giặt chăn màn quần áo hàng ngày. Nhưng do có xút, nên các loại cây không mọc được trên bùn đỏ. Vì vậy, người ta phải chứa bùn đỏ vào những hồ kín, coi như chôn vĩnh viễn. Bình thường, tiêu chuẩn cho phép độ thẩm thấu của dung dịch xút trong bùn đỏ ra môi trường là 10-7 cm/s (tức mỗi năm được phép ngấm 3 cm đất). Nhưng do dư luận quan tâm, nhà đầu tư đã nâng mức an toàn, giảm thẩm thấu xuống chỉ còn 10-12 cm/s, tức là phải… một vạn năm mới ngấm 3 cm đất! Làm cách nào để đạt độ kín như thế? Khá đơn giản, hồ thải bùn đỏ được quy hoạch vào một thung lũng rộng 52 ha, thi công kỹ lưỡng: Sau khi vét lớp đất mùn trên mặt đi, đáy hồ được lót một lớp đất sét lèn chặt dày 250 mm. Sau đó là lớp vải kỹ thuật chống thấm, ô tô tải chèn qua không rách. Trên cùng lại là một lớp đất sét lèn chặt, dày 250 mm nữa.
Một số người lo mưa xuống, hồ bùn đỏ tràn bờ thì sao? Sẽ không có chuyện đó, bởi giữa hồ là một trạm bơm công suất lớn, liên tục hút nước đưa trở lại dây chuyền để tận dụng xút. Nước mưa rơi xuống sẽ càng tốt, nhà máy hút về, không mất công cấp nước mới.
Về hiệu quả, theo đánh giá của các chuyên gia, với mức giá năm 2005 là thời điểm thiết kế, thì sau khi trừ mọi chi phí, đóng góp các loại thuế, mỗi năm một dự án như Tân Rai cũng sẽ lãi khoảng 50 triệu USD, tức chỉ khoảng 13 năm sau sẽ hoàn đủ vốn.
Sau năm 2005, giá alumine thế giới có lúc đã giảm đến 20%, làm dấy lên những lo ngại về mức lãi thiết kế. Nhưng theo các chuyên gia thị trường có kinh nghiệm, sự sụt giảm giá alumine chỉ có tính chất nhất thời. Cũng giống như mọi loại nguyên liệu thô khác như dầu mỏ, than, sắt,… nhu cầu thế giới sẽ không ngừng tăng cao, và mức giá bình quân sẽ phải tăng trở lại. Và thực tế năm 2009 vừa qua đã chứng minh điều đó.
Nhưng mức lãi trên sổ sách cũng chưa quan trọng bằng hiện thực đời sống, là những vấn đề về kinh nghiệm khai thác, hạ tầng cơ sở, diện mạo Tây Nguyên, đời sống người dân, thế trận an ninh quốc phòng… mà tôi sẽ đề cập kỹ ở phần sau của bài viết này. Chỉ biết một chân lý hiển nhiên trong kinh tế thị trường: Nếu chỉ tính trên giấy thì sẽ không ai dám chắc một dự án nào. Và ở Tân Rai, hiệu quả đã dần dần hiện ra.
NHỮNG HIỆN THỰC KHÔNG THỂ NHẦM LẪN
Việc đầu tiên chúng tôi quan tâm, đi đâu cũng hỏi, là trữ lượng bauxit của nước ta hiện nay. Theo Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Alumine Nhân Cơ Nguyễn Phú Dương, thì tuy hàm lượng quặng bauxit của chúng ta chỉ ở mức khá, chứ chưa phải tốt nhất, nhưng trữ lượng thì Việt Nam đứng hàng thứ ba thế giới, chỉ sau Ghinê và Úc.
Khắp Tây Nguyên gần như chỗ nào cũng có bauxit, nhưng nhiều nhất tập trung ở Lâm Đồng và Đắc Nông, trong đó riêng Đắc Nông chiếm đến 70% trữ lượng toàn quốc. Mạch bauxit vùng Đắc Nông còn lan cả sang Cămpuchia, mở ra triển vọng hợp tác quốc tế sau này. Bauxit của chúng ta khai thác dễ đến nỗi, chỉ cần gạt lớp đất mặt đi (khoảng 0,9 mét) là đến ngay vỉa quặng dày đến 4 mét.
Theo các chuyên gia, trữ lượng bauxit của Việt Nam có thể khai thác hàng trăm năm, đem lại lợi nhuận hàng chục tỷ USD.
Trả lời câu hỏi của tôi, rằng nghe nói một số quốc gia (trong đó có Trung Quốc) đã đóng cửa các mỏ bauxit của họ, nhưng lại mua của ta, thì liệu có phải họ để dành tài nguyên cho con cháu mai sau? Các anh đã trả lời: Hoàn toàn không phải vậy. Các mỏ ở Trung Quốc phải đóng cửa, trước hết bởi hàm lượng không cao, trữ lượng lại phân tán, nên khai thác rất kém hiệu quả. Ví dụ mỏ Bình Quả (Quảng Tây) đầu tư gấp rưỡi Tân Rai, nhưng sản lượng alumine lại chỉ bằng nửa, nên giá thành cao ngất ngưởng, không tiêu thụ được.
Về vấn đề nguồn nước phục vụ mỏ, liệu các dự án bauxit có làm cạn kiệt nguồn nước Tây Nguyên? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, Giám đốc Lợi đã cho một chuyến xe để đoàn đi thăm toàn bộ công trường, trong đó có hồ nước nhân tạo đang thi công. Theo đó, mỗi năm một nhà máy như Tân Rai, Nhân Cơ tiêu tốn khoảng 15 triệu m3 nước, chủ yếu cho việc rửa quặng thô, chưa lẫn xút. Để có lượng nước này, người ta đã phải đắp đập ngăn hai con suối Đac Cra và Đac Nôc, thành hồ nước nhân tạo dung tích 18-20 triệu m3, với diện tích mặt hồ chỉ khoảng 2,5 km2 (trong tổng số 38.600 km2 lưu vực của sông Đồng Nai). Nếu không có hồ, bình thường vùng Tân Rai khô khát, các dòng suối đều cạn trơ lòng. Mùa mưa đến, lượng nước mưa quý báu này sẽ trôi tuột xuống hạ lưu, gây úng ngập lũ lụt. Vậy là nhờ đắp hồ, đồng bào quanh vùng mỗi năm có thêm 3-5 triệu m3 nước để sản xuất và sinh hoạt, còn chế độ trị thủy con sông Đồng Nai cũng thuận lợi hơn. Thực chất, lượng nước thực sự mất cho việc khai thác bauxit, chỉ là do bay hơi trong quá trình tuần hoàn, không đáng kể.
Về vấn đề người dân Tây Nguyên mất đất, chúng tôi cũng nhận được những câu trả lời khá cụ thể. Theo đó, các dự án bauxit không bao giờ đụng đến đất thổ cư của đồng bào các dân tộc. Còn đất trồng trọt thì sao? Hóa ra, khi bên dưới là bauxit thì các loại cây mọc phía trên đều rất cằn cỗi. Cụ thể, bình thường nếu trồng cà phê, năng suất trung bình đều đạt mức 5 tấn/ha, thì trên đất bauxit, thu hoạch chỉ đạt 1,7 đến 1,8 tấn/ha. Nghĩa là Dự án chỉ giải tỏa những vùng đồi trọc, rẫy nghèo, mà làm cuốn chiếu, khai thác đến đâu đền bù đến đấy. Mức giá đền bù cũng khá cao, bình quân khoảng 105 triệu đồng cho mỗi hécta, trong khi giá chuyển nhượng ngoài thị trường, bà con chỉ thu về được khoảng 70 triệu, mà còn khó bán. Vậy là bà con các dân tộc đều thích nhượng đất cho “Bauxit”. Trong những ngày chúng tôi ở thăm, anh Nguyễn Đình Hải, Kế toán trưởng Dự án Tân Rai đều luôn bận tíu tít, sáng đi từ tờ mờ, tối muộn mới về, để kịp đền bù cho 172 hộ dân đợt này (trong tổng số 459 hộ) vùng bauxit Bảo Lâm. Chuyện đền bù anh kể nhiều chi tiết tức cười. Đồng bào dân tộc K’hor (tức Châu Mạ) xếp hàng đông nghẹt Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Huyện. Nhiều người nhận tiền không biết ký, phải điểm chỉ, nhưng vẫn bắt cán bộ ghi rõ tay phải tay trái. Lại có người không thuộc diện quy hoạch, nhưng cũng ra xếp hàng nằn nì: “Cán bộ cho tôi hiến đất, lấy tiền trước”.
Không chỉ ở Tân Rai, mà sang Nhân Cơ cũng vậy. Những ngày sau, chúng tôi vào nhà một số bà con người M’nông ở bon (thôn) Bù Dớp, tỉnh Đắc Nông, thấy họ đều phấn khởi từ khi “Bauxit” về. Chàng trai Điểu Iph (người M’nông, nam giới đều mang họ Điểu, phụ nữ họ Thị) trước đây có khoảng 2 hecta rẫy ở rải rác nhiều nơi. Năm 2005, Iph nhận bồi thường 1,2 hecta, được 160 triệu đồng, xây được nhà rồi còn mua thêm được rẫy ở chỗ khác tốt hơn, mỗi năm thu hoạch 3 đến 4 tấn cà phê, chị vợ là Thị Thuyết suốt ngày cười nói rổn rảng. Hay anh Điểu Vơn, sinh năm 1971, là Trưởng ban Đại diện đạo Tin Lành bon, được đền bù đến 300 triệu đồng. Vợ Vơn là Thị Hoa cùng con trai Điểu Tàng suốt ngày quanh quẩn lau dọn nhà mới, cho Vơn yên tâm mỗi năm về Gia Nghĩa tập huấn đạo giáo 15 ngày. Bà con bon Bù Dớp tranh nhau kể, bên khu tái định cư Thác Diệu Thanh, người M’nông theo đạo Tin Lành còn có cuộc sống được cải thiện tốt hơn. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, các dự án Tân Rai và Nhân Cơ đều dành hàng chục tỷ đồng để giúp địa phương xây trường, làm đường, mở trạm xá… Các sự kiện lớn trên địa bàn như kỷ niệm, lễ hội, thi đấu thể thao, văn hóa văn nghệ… “Bauxit” đều tích cực đóng góp và phối hợp hoạt động, khiến không khí luôn chan hòa vui vẻ.
Không những vậy, trong kế hoạch triển khai của mình, các dự án bauxit TKV còn rất chú trọng đến việc nhu nhận, đào tạo nghề, và tuyển dụng con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Ví dụ, nhà máy Tân Rai đến tháng 10-2010 mới ra tấn alumine đầu tiên, nhưng ngay từ đầu năm 2008 đã có 266 con em đồng bào địa phương được tuyển học nghề. Cuối năm 2009 sẽ mở một khóa nữa, thu nhận 528 em (trong đó 70% là người các dân tộc thiểu số), gần đủ cho nhu cầu tiếp quản toàn bộ dự án. Mỏ Nhân Cơ cũng vậy, tuy giờ đây vẫn đang phải hoàn thiện thêm một số thủ tục, theo quyết định của Trung ương, thì Công ty Cổ phần Alumine Nhân Cơ cũng đã chiêu mộ hơn 400 thanh niên địa phương, cho đi học nghề 18 tháng, để sau này làm chủ doanh nghiệp.
Những lúc rảnh rỗi, những buổi tối lang thang khắp vùng, chúng tôi luôn được người dân nói về bauxit với thái độ chào đón hồ hởi. Người ta còn ghen tị nhau nhà này có con vào làm bauxit, nhà kia có cháu được tuyển dụng lái xe… Rồi vùng nọ được đền bù sớm, xã kia gặp trở ngại, bị quy hoạch muộn… Một không khí háo hức chuẩn bị cho những cuộc đổi đời đã và đang từng bước hình thành.
Vào Tây Nguyên đợt này, một trong những điều chúng tôi quan tâm nhất cũng dần dần được làm sáng tỏ, đó là chuyện lao động người nước ngoài, cụ thể là công nhân, kỹ sư Trung Quốc sang làm việc trong các dự án Bauxit.
Theo các nhà chuyên môn cho biết, thì toàn bộ các dự án đều là của Việt Nam, chúng ta bỏ vốn và làm chủ. Nhưng khi áp dụng luật đấu thầu quốc tế, mọi đối tác đều có quyền bình đẳng. Và nhà thầu Trung Quốc Chalco (Aluminum Coporation of China Limited- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công tình quốc tế Nhôm Trung Quốc) với năng lực và kinh nghiệm của mình, đã trúng thầu hạng mục các nhà máy tinh luyện alumine trong hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ của TKV.
Để đảm bảo thuận tiện cho điều hành và thi công công trình, Chalco đã sử dụng nhiều cán bộ kỹ thuật và công nhân nước ngoài, là những người đã rất từng trải trong lĩnh vực này. Thời điểm chúng tôi đến thăm, đang có 647 người nước ngoài (4 người Úc và 643 người Trung Quốc) làm việc tại Tân Rai. Một nửa số công nhân Trung Quốc đã có giấy phép lao động của Nhà nước Việt Nam. Nửa còn lại đang làm thủ tục.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, “Vì sao không có giấy phép mà công nhân nước ngoài vẫn vào Việt Nam làm việc được?”, phía bạn cho biết: “Chalco có lỗi, nhưng vì tiến độ công trình quá gấp, thủ tục lại không nhanh được, nên chúng tôi đã xin phép Ban Quản lý Dự án đưa sang trước một số công nhân có thị thực ở diện B3, rồi làm thủ tục sau”. Phía TKV cũng xác nhận: “Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ, khiến chúng tôi bị động. Từ chuyện Chính phủ thay đổi chính sách thuế, nâng mức đánh vào các thiết bị ngoại nhập, đến sự thẩm tra thẩm định lại mấy vòng trước tác động của dư luận… Vậy là có lúc có nơi xuất hiện tình trạng làm tắt, làm vội”. Nhưng theo anh Huỳnh Út, chủ khách sạn Cao Nguyên ở Gia Nghĩa, người vừa từ Cộng hòa Séc trở về đầu tư ở Việt Nam, thì chuyện này trong thời đại toàn cầu hóa là rất bình thường. Ví dụ, lượng người Việt không có giấy phép lao động ở các nước trên thế giới, đặc biệt là Nga và Đông Âu, còn đông gấp hàng trăm lần con số kể trên, mà có thấy ai kêu ca gì đâu!
Vậy những cán bộ, công nhân Trung Quốc ở Tây Nguyên hiện ăn ở, sinh hoạt ra sao? Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, tất cả họ đều ở tập trung trong những dãy nhà mái tôn kiểu công trường (nghĩa là khá “mùa vụ”). Bữa ăn của họ do đầu bếp Trung Quốc đảm nhận, nguồn lương thực thực phẩm khai thác ngay tại địa bàn. Nói chung họ ít ra ngoài, ngoại trừ một số có nhu cầu đặc biệt, hoặc tò mò muốn tìm hiểu cuộc sống Việt Nam, kiểu mấy ông Tây ba lô chỗ nào cũng nghiêng ngó. Theo Giám đốc Lợi, an ninh trật tự trên địa bàn Tân Rai hiện nay khá tốt, chứ không phức tạp như bên Na Dương, Sơn Động. Số công nhân Trung Quốc ở công đoạn đóng cọc đã hoàn thành nhiệm vụ và đã về nước, lực lượng đang làm sắp tới bàn giao công trình xong họ cũng sẽ về.
Gốc rễ của chuyện lao động quốc tế đến Tây Nguyên lại nằm ở khía cạnh khác, vấn đề An ninh, Quốc phòng của địa bàn. Tất nhiên việc đưa người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, dù có biện hộ bằng lý do gì đi nữa, thì cũng phải tuân thủ mọi quy tắc giữa các quốc gia, giải quyết đầy đủ theo đường ngoại giao. Nhưng ở đây phải hiểu, đã có sự tiên liệu ngay từ những ngày đầu hình thành Dự án. Từ các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, đến những sự quan tâm vào cuộc của cả bộ máy các cấp các ngành có trách nhiệm, bất cứ lúc nào thì người Việt Nam chúng ta cũng luôn cảnh giác, coi Tây Nguyên là địa bàn chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu. Do vậy, theo các anh ở cả hai Dự án Tân Rai và Nhân Cơ, không hồ sơ nào thiếu những góc nhìn, đánh giá toàn diện về mặt an ninh quốc phòng, không hội thảo nào vắng các chuyên gia quân đội và công an, và hầu như không tuần nào, tháng nào thiếu những buổi làm việc kín kẽ giữa TKV với Chính quyền địa phương và các cấp tham mưu vũ trang. Ngay sáng 30-9, dù đang ngồi trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Nhân Cơ Nguyễn Phú Dương đã phải không ít lần xin lỗi các nhà báo, để liên lạc chỉ đạo cấp dưới, chuẩn bị mọi thứ tiếp Đoàn chuyên viên, Bộ Chỉ huy quân sự Quân khu V. Anh Dương tâm sự, “Tuần trước là các tướng lĩnh Bộ Tổng tham mưu, tuần tới là bên Tỉnh đội. Còn các buổi giao ban địa bàn bao giờ bên công an cũng gặp riêng hàng tiếng đồng hồ”. Vậy đấy, không có mảy may hiện tượng nào vượt được ra khỏi tầm kiểm soát của các chuyên gia chiến lược. Vậy thì một vài vụ xích mích nhỏ giữa những người bất đồng ngôn ngữ, sẽ không thể là đại diện của cả một hiện thực lớn.
SUY TƯ SAU CHUYẾN ĐI
Cho đến những ngày cuối, trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, thời tiết tốt, nắng gió hài hòa, tôi vẫn có cảm giác như vừa từ “mặt trận” trở về.
Nhiều người biết chúng tôi vừa đi Bauxit, đều lắc đầu lè lưỡi. Lạ thế, ai cũng nói những điều nặng nhọc, thậm chí mấy chị em trong Văn phòng 43 Đồng Khởi- còn băn khoăn: “Liệu viết ra độc giả có hiểu cho không?”. Trong một cuộc nhậu, một kiến trúc sư gạo cội đã tới tấp phủ đầu chúng tôi, rồi khẳng định chắc như đinh đóng cột về sự “trả giá” của các dự án “phá nát Tây Nguyên”, không cho ai kịp nói gì, đến mức Nhà thơ Nguyễn Duy cũng phải phì cười. Nhưng khi hỏi kỹ ra thì hóa họ đều chưa từng đến đó, chưa hề nghiên cứu kỹ, mà chỉ bảo “nghe nói vậy”, “chả lẽ cụ Giáp mà sai được?”.
Vâng, họ khá đông, nhưng đầy cảm tính. Và tôi cảm thấy phía sau sự e dè của những người chín chắn, cũng như còn đang có một cái gì đó khó cắt nghĩa. Phải chăng vì xã hội còn nhiều bê bối chưa được làm rõ, đây đó còn những khuất tất chưa được giải minh, nên người dân có lúc bức xúc, mất lòng tin, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực? Phải chăng những người phản biện cũng vì quá hăng hái, thừa sốt sắng, mà dẫn đến thái độ nóng vội, chủ quan, chẳng những rất dễ tự mắc vào cái bẫy ngụy biện của chính mình, theo kiểu “lộng giả thành chân”, mà còn khiến công chúng bình dân cảm thấy khó xử, e ngại, không muốn “dây vào”?
Và còn đó, phải chăng, cũng là quan niệm giản đơn, thiếu chu đáo trong khâu tuyên truyền quảng bá của cấp này ngành nọ? Mỗi dự án, mỗi chủ trương tất nhiên đều phải nghiên cứu kỹ, nhưng làm sao tránh được những va chạm, cọ xát với rất nhiều chủ thể khác nhau? Nếu chỉ biết mỗi việc mình làm, không quan tâm đến dư luận, thì sẽ khó tránh khỏi tiếng “độc đoán”, “áp đặt”, “trùm lấp”… những khái niệm rất không tương hợp với một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ta đang dồn toàn lực xây dựng.
Mong lắm, những điều tốt lành trong cuộc sống sẽ đến với Tây Nguyên./.
( Nguồn Báo Văn Nghệ)



BAUXITE TÂY NGUYÊN, ĐÔI LỜI NÓI LẠI…
VŨ NGỌC TIẾN
Thưa ông TBT báo Văn nghệ và tác giả Lã Thanh Tùng!
Lâu rồi, tôi ít đọc báo Văn nghệ, dù trong danh mục báo đặt hàng tháng có đủ cả Văn nghệ (VN) lẫn Văn nghệ trẻ (VNT) chỉ như một nếp quen nghề nghiệp mà thôi. Có chăng, tôi chỉ lướt qua tờ VNT may ra còn có bài đáng đọc. Lý do vì sao thì tự ông TBT và Ban thư ký báo VN quá rõ, khỏi cần nhắc lại cho mất lòng nhau.
Lần này, sau chuyến đi thị sát ông bạn láng giềng Trung Hoa bằng ô tô, tàu lửa, ăn quán cơm bụi, ngủ nhà trọ bình dân hơn nửa tháng trời, tôi muốn viết một cái gì đó về mô hình cải cách mà những kẻ sô vanh đại Hán đang vỗ ngực rằng hết Việt Nam đến Nga đang phải học mót!
Song thật bất ngờ, nhạc mẫu tôi, một cụ già 90 tuổi cầm tờ VN số 44 (31/10/2009) đến đặt lên bàn viết thở dài bảo tôi: “Con đọc đi! Thật lố bịch và đáng xấu hổ cho văn giới các con có một tờ báo và một tác giả như thế…”. Cụ còn nói thêm những lời nặng nề khác mà tôi không tiện viết ra về cái chuyến đi được TKV bao lót vé máy bay, cơm gà cá gỡ và chắc hẳn có cả chút lộc rơi lộc vãi mà tác giả LTT rề rà kể lại trong “chuyến bay dông bão”, vô cảm trước cơn bão số 9 vừa qua, chỉ toàn lời xu nịnh ông chủ TKV đặt hàng cho bài viết “Bauxit… và những điều khác”!…
Vâng, thưa quý báo và tác giả! Tôi đã đọc kỹ bài viết đó, đăng kín trang 3 và trang 14. Cây bút bi 2 màu của tôi gạch nát cả 2 trang, dưới những lời trơ trẽn, dối trá và cả sự ngu dốt nữa. Cầm lòng không đặng, tôi viết mấy lời ngắn gọn dưới đây, sẵn sàng tranh luận đến cùng với tác giả LTT, ông TBT và Ban thư ký báo VN, kể cả những chuyên gia trong tập đoàn TKV, được tác giả tâng bốc là giỏi nhất, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề địa chất và khai khoáng, chế biến quặng nhôm.
Xúc phạm bạn văn và các nhà khoa học
Mở đầu bài viết, ông LTT lớn giọng chia ra 2 nhóm đối tượng xung quanh vấn đề bauxit Tây Nguyên. Với nhóm ra chủ trương và ủng hộ, tôi miễn bàn bởi dư luận đã nói nhiều, nói kỹ. Với nhóm phản biện, tác giả dùng những lời mỉa mai, xem thường những ý kiến tâm huyết của họ là không thể chấp nhận.
Những quan ngại về môi trường, an ninh quốc phòng, hiệu quả kinh tế và văn hóa bản địa là hoàn toàn có cơ sở, được Võ Đại tướng đồng tình ủng hộ. Trong bài “Tây Nguyên du ký” (6/2009), tôi cũng đã phát biểu tường minh một số điểm. Ông LTT hiểu được bao nhiêu về bauxit mà dám nhận xét nhóm phản biện bằng những lời “những người tự nhận là tỉnh táo, độc lập tư duy, chống tham nhũng, chống độc quyền…” hay “họ nói như bỏ túi một chân lý”…? Ông ta còn nói giễu rằng chúng tôi cảnh báo về bài học môi trường do chính TKV đã từng gây ra ở vùng mỏ than Quảng Ninh như là sự hù dọa dư luận?! Sao ông không biết hay cố tình lờ đi vụ bục nước lò than làm chết 7 người chỉ mới xảy ra cách đây chừng hơn 1 tháng?
Từ năm 1998, cũng chính trên báo VN, trong bài “Lời cảnh báo của tự nhiên”, tôi đã kể ra: vụ bục túi bùn ở mỏ Mạo Khê năm 1995 vùi chết nhiều người; nạn khai thác than thổ phỉ hủy hoại nguồn nước sinh họat duy nhất ở sông Diễn Vọng tại Bắc Mông Dương; bệnh bụi phổi phổ biến trong 70% công nhân và cư dân quanh mỏ khai thác; nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái khi mỏ lộ thiên Cọc Sáu xuống sâu mới chỉ đạt 150 m dưới mực nước biển, còn bây giờ đã là hơn 300 m…!? Tất cả là sự hù dọa hay bài học nhãn tiền về lề thói làm việc của TKV?…
Sự lố bịch và trơ trẽn của tác giả LTT đạt tới cao trào khi ông thích thú mô tả “Chuyến đi dông bão” của mình trong cơn bão số 9, rồi liền sau đó xu nịnh ông chủ TKV đặt bài: “Phải chăng TKV đang rất an nhiên, tự tại?” Chao ôi cái nhân cách của người cầm bút viết văn!… Ông LTT làm sao che giấu nổi sự thật, khi trong bài viết ông khẳng định rằng khu vực khai thác không chiếm đất thổ cư của đồng bào dân tộc, nhưng ở bức ảnh minh họa số 4 ông lại khoe ra khu tái định cư “bauxit” của người Châu Mạ. Ơ hay, không chiếm đất thổ cư sao phải làm nhà tái định cư cho họ?!…
Sao chép luận chứng KTKT vì dốt hay vì…?
Để tỏ ra mình hiểu biết và khách quan, ông LTT bê nguyên những thông số cơ bản trong luận chứng KTKT của TKV lên báo VN hòng lòe bạn đọc. Xin thưa, chúng tôi – những người phản biện có trong tay đầy đủ bản luận chứng KTKT ấy và nhiều tài liệu liên quan khác. Nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà xã hội học… trong và ngoài nước đã từng phản bác những thông số ông vừa sao chép, nếu không phải là lừa dối thì cũng là ảo tưởng của TKV, đăng tải trên Bauxit VN và nhiều trang Web khác, tôi không muốn nhắc lai thêm phiền lòng bạn đọc. Với tư cách một người viết văn, tác giả bài “Tây Nguyên du ký”, đồng thời nguyên là Kỹ sư Địa vật lý, Chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, từng có cơ hội khảo sát các mỏ bauxit ở Tây nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn từ những năm 70 của thế kỷ trước, tôi xin nêu vắn tắt vài câu hỏi:
Công nghệ tuyển quặng bauxit của TQ do ông LTT vừa sao chép sơ sài trong bài so với công nghệ của Mỹ, Úc, Hung-ga-ri, cái nào tiên tiến, an toàn môi trường hơn?
Không phải ngẫu nhiên Võ Đại tướng nhắc lại lời khuyên của khối SEV rằng ta không nên khai thác bauxit Tây Nguyên vì lợi bất cập hại. Trong khối SEV, ngoài Liên Xô cũ, Hung-ga-ri là nước có nền công nghiệp luyện nhôm khá phát triển. Năm 1971, tôi cùng anh Lương Bội Lưu chủ trì phương án nghiên cứu thân quặng bauxit ở Tam Lung – Lạng Sơn đã có dịp trao đổi với chuyên gia Hung-ga-ri về công nghệ tuyển quặng, được biết ở Lạng Sơn, Cao Bằng quặng bauxit có nguồn gốc trầm tích, hàm lượng rất cao so với quặng ở Tây Nguyên có nguồn gốc phong hóa trên mặt nên công nghệ chế biến cũng đơn giản, thuận lợi và an toàn môi sinh hơn rất nhiều. Vậy tại sao ta không tiếp tục hơp tác với Hung-ga-ra thí nghiệm khai thác, chế biến ở Lạng Sơn, Cao Bằng mà lại cùng ông bạn “răng cắn đứt môi” TQ dắt nhau vào Tây Nguyên thí nghiệm?
Ông LTT dựa trên tài liệu nào mà dám khẳng định quặng bauxit ở Tây Nguyên tốt hơn ở mỏ Quảng Tây vừa bị đóng cửa? Tôi đã trực tiếp trao đổi với chuyên gia TQ ở Nhân Cơ và thống nhất bauxit Tây nguyên là quặng nghèo, chỉ đạt 9-10% ở Tân Rai, còn ở Nhân Cơ khá hơn tí chút là 10-11%, vậy ông LTT cho dẫn chứng hàm lượng quặng ở Quảng Tây – TQ?
Cái quy trình trong mơ của ông LTT được người ta mớm cho rằng “phải 1 vạn năm nữa, dung dịch chứa bùn đỏ mới thẩm thấu chất độc hại ra khỏi hồ chứa 3 cm đất” đáng tin cậy đến đâu khi bài học môi trường ở TQ còn đang phơi bày ra trên đất nước họ? Mặt khác, diện tích hồ chứa 52 ha đủ đảm bảo nước và bùn đỏ không tràn ra ngoài khi gặp mưa lớn, được lý giải bằng công nghệ hoàn lưu nước khi tuyển là rất nực cười, ngu dốt, ông có dám cùng tôi tranh luận tới cùng?
Về cái gọi là 10 năm hoàn vốn đầu tư, những người phản biện chúng tôi cho là ảo tưởng, thậm chí lỗ nặng, ông LTT khoe đã nghiên cứu nhiều tài liệu trước khi đi, vậy có dám cùng tôi đưa ra dẫn chứng? Tôi chỉ xin mách nhỏ, giá thành quặng thương phẩm trong luận chứng đang cao hơn giá thị trường thế giới. Mặt khác, hàm lượng quặng thương phẩm trên thế giới phải đạt 99%, nhưng TKV ký với nhà chuyển giao công nghệ TQ chỉ đạt 83,6%, thì bán cho ai ngoài TQ? Nếu họ trở mặt thì ta cho đắp chiếu dây chuyền và sản phẩm chăng?
Cuối cùng, xin hỏi trong bài viết ông khoe mình biết quặng bauxit ở Nhân Cơ còn phát triển sang tận Căm-pu-chia sẽ “mở ra triển vọng hợp tác quốc tế” là có ý gì? Riêng tôi cho rằng con đường sắt từ Lâm Đồng xuống Bình Thuận vừa khó làm, tốn kém, còn lâu mới xong, nhưng chương trình thí nghiệm khai thác, chế biến dự kiến năm 2010 hoặc 2011 đã có sản phẩm. Phải chăng TQ đang lừa ta sản xuất hàm lượng 83,6%, chỉ có thể bán rẻ cho họ chở sang Căm-pu-chia, nơi họ đã mua đứt vùng có mỏ quặng 99 năm để rồi nâng tiếp hàm lượng lên 99% bán ra thị trường thế giới qua con đường sắt họ sẽ làm dẫn ra cảng Xi-ha-núc-vin vô cùng nhanh và thuận lợi?
Lời kết
Báo VN, tờ báo văn lớn nhất cả nước mà nửa năm qua im lặng trước một vấn đề hệ trọng của đời sống xã hội khiến tôi và mọi người thất vọng. Nay quý báo bất ngờ lên tiếng với bài của tác giả LTT càng khiến tôi không thể hiểu nổi cái Hội nhà văn của chúng ta là thứ Hội gì đây? Mong chờ hồi âm của ông TBT, BTK báo VN và tác giả LTT để dư luận rộng đường tranh luận. Mấy lời mạo muội khó nghe, xin các quý anh, quý chị bình tĩnh đọc qua thì tôi cám ơn lắm lắm!…
Hà Nội 29/10/2009
VNT
Nguồn: BauxiteVN.info
Posted in tư liệu

No comments:

Post a Comment