Phan Kiến Quốc ( GS Pham minh Hoang )
Trong những ngày gần đây, báo chí và truyền thông trong nước liên tục đăng các bài tố cáo Tổng Giám Mục (TGM) Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã lãnh đạo, xúi dục giáo dân Thái Hà (Hà Nội) trong các hành vi đòi lại đất. Sự việc đã xãy ra từ hơn tháng nay tại giáo xứ Thái Hà nhưng đã âm ỉ từ cả năm nay tại một nơi khác là Tòa Khâm Sứ. Tuy nhiên, mọi việc đột nhiên diễn biến khác thường sau cuộc họp ngày 19/9 với Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội, theo đó TGM Kiệt đã “bôi nhọ dân tộc” khi ông ta tuyên bố : “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu VN”. Câu nói và hình ảnh được phổ biến rộng rãi trên các kênh truyền thông.
Chưa biết ất giáp thế nào thì hôm qua người bạn cho tôi nghe lại ghi âm toàn văn câu phát biểu. Nghe xong tôi choáng váng. Nguyên văn là thế này :
Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu VN, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ, chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên. Làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi, không ai xem xét gì cả. Anh Hàn quốc bây giờ cũng thế. Còn người VN chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp, để cho đất nước chúng ta mạnh, đi đâu chúng ta cũng được kính trọng".
Nguyên văn lời phát biểu là như thế, nhà cầm quyền cộng sản đã cắt để chỉ còn giữ 20 chữ đầu, vốn là phần nhập đề cho ý kiến của Tổng giám mục Hà Nội, và từ đo suy diễn ra thành những tư tưởng bôi bác dân tộc, đất nước và chúng chỉ đạo cho các cơ quan truyền thông xúm vào "đánh" TGM Kiệt. Cũng nên nói thêm rằng một trong những bồi bút dễ dạy nhất là Hà Văn Thịnh, hiện là giáo sư sử Đại Học Huế. Trong bài viết có tựa đề “Đáng rủa sả thay” đăng trên báo Lao Động ngày 23/9, ông Thịnh đã trích lời Chúa để tấn công TGM Kiệt. Tôi chẳng biết Chúa có nói đúng như thế không (hay ông lại dùng cái tiểu xảo của đảng là cắt, nối câu nói của một nhân vật để bóp méo sự thật) nhưng ở đây tôi chỉ muốn nhắc với ông là trước khi ông "lên lớp" TGM Kiệt hoặc dạy dỗ cho các sinh viên thì ông cũng nên xem xét lại tư cách, hoặc đúng ra là nhân cách của một giáo sư sử học. Tôi chưa hề thấy ông lên tiếng gì về Hoàng Sa, Trường Sa; trong khi SV Hà Nội và Sàigòn cũng như du sinh tại các nước trên thế giới đã rầm rộ xuống đường để phản đối một bá quyền Trung quốc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cha ông. Trái lại tôi lại ngờ rằng ông đã học tập bài bản của đảng là thuyết phục và ngăn cản SV Huế xuống đường bênh vực Tổ quốc. Trong cương vị một giáo sư sử, thật nhục nhã vô cùng. “Đáng rủa sả thay” dùng cho ông là đúng hơn cả.
Bài viết này không có ý đánh vào những tên bồi bút như Hà Văn Thịnh và cũng chẳng muốn nhắc lại sở trường "cắt, gọt" của đảng CSVN vì nó đã trở nên những gì quá bình thường và ai cũng biết cả; nhưng chỉ muốn lạm bàn về chữ NHỤC mà TGM Kiệt đã nói trong phiên học ngày 19/9. Điều cảm nhận trước tiên của tôi là không nhất thiết phải "huỵch toẹt" rõ ràng chữ NHỤC để diễn tả sự nhục nhã của thân phận con người VN thì mới thấy nhục. Ngôn ngữ của chúng ta phong phú ở chỗ đấy, và nếu chỉ bóng gió như thế thì báo chí VN hầu như ngày nào cũng đã nói, đã bàn về cái NHỤC ấy, mà lạ lùng là xã hội chẳng thấy chuyển biến gì và dĩ nhiên chẳng có ai lại đi tấn công họ là "bôi bác dân tộc, nói xấu đất nước" như ông Thịnh vậy. Chúng tôi xin trích ra đây một vài thí dụ lượm lặt trên báo chí trong nước trong thời gian qua, nó dàn trải trên mọi lãnh vực.
Giao thông.
Ngày hôm nay ra đường ai cũng sợ. Sợ kẹt xe, sợ tai nạn. Các vấn nạn này ở đâu cũng có nhưng không ở đâu lại trầm trọng và nhức nhối như ở VN. Các số liệu chính thức cho rằng số người chết hàng năm dao động từ 12 đến 15 ngàn, nhưng cũng theo các cơ quan này thì co số này còn có thể cao hơn. Con số cao nhất mà tôi ghi nhận được là khoảng 23.000 do một hội đồng gồm Uỷ Ban An Toàn Giao Thông kết hợp với các tồ chức của Liên Hiệp Quốc công bố vào năm 2004. Nếu như thế thì mỗi ngày có khoảng 80 người chết (chưa kể bị thương). Một tổn thất còn lớn hơn trong chiến tranh trước đây, và còn đẫm máu hơn các cuộc khủng bố tại Irak, tại Afghanistan ngày nay. Riêng về kẹt xe thì người Sàigòn và Hà Nội vẫn khôi hài rằng trước đây có nhiều điểm kẹt, nay chỉ còn một : đó là toàn thành phố.
Loại ra việc hiện nay là có quá nhiều công trình dang dở, nhưng một trong những nguyên nhân chính là ý thức của chúng ta còn quá kém. Trong mục góp ý về các thói hư tật xấu của người Việt đăng trên báo Tiền Phong năm 2005, một độc giả đã viết : "Khi dòng người đông, bị tắc nghẽn, nếu như, ai nấy đều tuân thủ đi đúng phần đường của mình theo vạch chỉ vôi chia làn đường thì chắc rằng tình trạng tắc nghẽn không đến nỗi lâu và ngột ngạt. Nhưng vì nhiều người Việt của chúng ta vẫn giữ thói xấu phải nhanh hơn, phải vượt lên, vì mục đích, quyền lợi về phần đường, thời gian của mình mà cứ chen lấn, xô đẩy, vượt lên cả phần đường của người đi ngược chiều. Thế là dòng người đi xuôi lấp hết phần đường của người đi ngược. Ngược lại, phía bên kia ngã tư, người ta cũng chen lấn, xô lên như thế. Đây không phải là ý thức nữa mà chuyển sang vấn đề bản tính của người Việt. Bởi vì, nói cho cùng, nếu tại ý thức thì... đa số đều có ý thức vậy sao? Hay đó chính là sản phẩm của tư duy người Việt, tư duy từ hàng nghìn năm của một dân tộc phát triển từ nền văn minh lúa nước. Người ta tìm mọi cách bon chen, vươn lên để tìm kiếm phần thắng, phần lợi cho mình mà không nghĩ đến lợi ích chung của xã hội, không vì ai cả. (…) Đó là thói xấu không biết nhường nhịn, bon chen, chỉ muốn hơn cho mình của người Việt”. Người dám phê phán “ tư duy từ hàng nghìn năm của một dân tộc ” là “bon chen” có tên Nguyễn Văn Học Địa chỉ: Phòng 30, số nhà 18, Ngô Tất Tố, Đống Đa, Hà Nội. Bài đã đăng hơn 3 năm nay chẳng thấy ai nguyền rủa là “bôi nhọ dân tộc cả”. Suốt bài chẳng có một chữ NHỤC mà đọc xong ai chẳng xót xa !
Một thí dụ khác : Trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội tháng 4/2002 về tai nạn giao thông đưòng bộ tại VN với sự tham dự của 10 nước ASEAN, cộng với đại diện của các tổ chức quốc tế như Nhật, New Zealand, Úc, Ba Lan và 180 đại biểu đại diện cho 61 tỉnh thành; đại diện của Nhật đã phát biểu :”điều trước tiên cần ưu tiên là nâng cao ý thức cộng đồng”. Nếu câu này là của một người VN thì không có gì để nói (vì đúng là như thế), nhưng phát ra từ một người nước ngoài thì cũng hơi nhột. Vì cứ tưởng tượng nếu lại là người VN phát biểu trong một cuộc họp báo tại Bangkok về tai nạn giao thông tại Thái thì có lẽ họ cũng buồn lắm. Chưa hết, hội nghị đã tại Hà Nội đã kết thúc bằng nhận định “phải chờ một thế hệ nữa mới giải quyết được”. Một thế hệ vào khoảng 20 năm, đã 6 năm qua rồi mà chẳng thấy chuyển biến, có chăng là ngày càng xấu đi. Hội nghị kết luận như thế là quá nhẹ, nhưng quá nhục !
Bây giờ tôi lấy lại một thí dụ khác đỡ chua xót hơn. Bài viết do một độc giả của Tuổi Trẻ gởi tháng 9/2005 :
“Xe đò Cần Thơ - Sài Gòn
Kính trình quí khách đặng tường
Kể từ ngày mùng một tháng mười Lang Sa (1er Octobre 1929), hãng tôi sắm thêm sáu cỗ xe Camion để chạy xuống Cần Thơ và Sài Gòn.
Lên ba cỗ về ba cỗ. Xe máy tốt không chết máy dọc đường.
Mỗi ngày tại Sài Gòn chạy ba cỗ. Một cỗ 6g chạy về Cần Thơ 11g tới. Một cỗ 8g chạy về Cần Thơ 1g (13g - NV) tới. Một cỗ 10g chạy về Cần Thơ 4g (16g - NV) tới.
Mỗi ngày tại Cần Thơ chạy ba cỗ. Một cỗ 6g chạy lên Sài Gòn 11g tới. Một cỗ 8g chạy lên Sài Gòn 1g tới. Một cỗ 10g chạy lên Sài Gòn 4g tới...”.
Nếu thông tin đăng trên mẩu quảng cáo này là đúng với thực tế lúc bấy giờ thì quả là đáng buồn cho ngành giao thông vận tải của nước ta. Bởi từ năm 1929, thời gian xe khách chạy từ Sài Gòn đến Cần Thơ đã là năm giờ đồng hồ, thì 76 năm sau, đến năm 2005, thời gian xe khách (đi hoặc về) giữa hai nơi này phải mất trên dưới... năm giờ đồng hồ! Có thể cho rằng khi ấy phương tiện tham gia giao thông ít, đường vắng nên xe chạy nhanh, còn bây giờ người và phương tiện tham gia giao thông nhiều nên xe không thể chạy nhanh hơn được...!
Nhưng nếu lập luận như vậy thì e rằng tốc độ xe chạy trên đường trong những năm tới còn có thể chậm hơn so với... hàng chục năm trước đây, do người và phương tiện tham gia giao thông ngày một gia tăng!
Đọc xong nghe khôi hài chứ ?! Nhưng nếu người viết kết luận rằng một chế độ 30 năm sau chiến tranh đã đưa đất nước lùi về thập niên 20 thì chắc lại bị lũ bồi bút đánh cho chí tử vì đã “bôi bác dân tộc”.
Xây dựng.
Người SG có lẽ chưa quên được những bê bối như đường liên cảng A5, cống hộp quận Bình Thạnh, cống hộp Thảo Cầm Viên, tượng ông Hồ Chí Minh ở Nghệ An, đài tưởng niệm chiến thắng Điện Biên, đường Xuyên Á,… và gần đây nhất là vụ đường hầm Thủ Thiêm. Tất cả đều xuống cấp nhanh chóng sau không đầy 1 năm khánh thành. Thậm chí chưa đưa vào sử dụng đã có vấn đề (hầm Thủ Thiêm). Kết luận của những bê bối này người ta thường nói đến tình trạng ăn chận vật tư, thi công cẩu thả, mà theo báo chí thì sự thất thoát này vào khoảng 30%. Ngân sách đầu tư của VN vào xây dựng cơ bản khoảng 1 tỷ đến 1.5 tỷ USD/năm, nghĩa là con số thất thoát dao động từ 300 đến 500 triệu USD, một con số khổng lồ, nhất nữa phần lớn là tiền đi vay. Có hai vấn đề cần bàn : thứ nhất là sự thất thoát, thứ hai là tình trạng vay mượn.
Trong một bài viết trên Tuổi Trẻ tháng 4/2002, một độc giả đã viết bài “Chất lượng xây dựng, cần cả trách nhiệm lẫn lòng tự ái dân tộc” với những hàng như sau :”Các công trình xây dựng lớn nhỏ gì cũng đều do cán bộ, công nhân VN trực tiếp xây dựng, nhưng tại sao ở các công trình có người nước ngoài hướng dẫn, giám sát thì thường bảo đảm chất lượng tốt hơn. Các trường hợp điển hình là các đoạn trên xa lộ Hà Nội tốt hơn hẳn đoạn Điện Biên Phủ mở rộng, hoặc các công trình nâng cấp quốc lộ 5,1A,18 (có nước ngoài giám sát), và quốc lộ 51 (do ta tự thiết kế, xây dựng và giám sát)”. Người viết tên Nguyễn Văn Hùng, có lẽ là một kỹ sư xây dựng đã ngưng ở đó. Nhưng có lẽ ông ta cũg như bạn đọc đều :”cảm thấy xấu hổ khi đi trên những đoạn đường cho người VN ta thiết kế, xây dựng và giám sát”. Giữa xấu hổ và nhục nhã có xa nhau là bao ? Viết như thế phải chăng đã ““bôi bác dân tộc” ?
Sang đến chuyện vay mượn mà phần lớn là vốn ODA. Hàng năm các nhà tài trợ thường họp hội nghị để bàn luận kết quả năm đã qua và quyết định số tiền cho tài trợ cho năm tới, con số này vào khoảng 2 tỉ USD. Thường thì năm nào kết luận cũng như nhau : VN đã có những bước cải thiện môi trường kinh doanh và số tiền tài trợ sẽ được tiếp tục. Nghe lạc quan không chịu được. Nhưng chúng ta phải cần biết rằng các nhà tài trợ phần lớn là các ngân hàng, mà ngân hàng thì sống nhờ cho vay lấy lời. Cho dù là tiền lời ưu đãi nhưng cũng không phải là của cho. Đã vay thì phải trả. Hình như sau những phát biểu lạc quan trên thì số nợ trên mỗi đầu người VN bây giờ vào khoảng 6, 7 trăm USD. Nói toạc móng heo ra là : VN là con nợ tốt (vì đông dân và chăm chỉ) nên chúng tôi tiếp tục cho vay. Quý vị vay thì con cháu quý vị trả. Còn cái khoản thất thoát thì không phải chuyện của chúng tôi. Đến đây có lẽ chúng ta đã bớt lạc quan đi một tí, nhưng đến khi nghe lời “nhắn nhủ” của một quan chức World Bank rằng :”VN đang là con nợ, nhưng tôi hy vọng mai này sẽ là những chủ nợ (ý là cho các nước nghèo)” thì thật chịu không được. Các định chế tài chính dư sức biết rằng với mức thất thoát trong xây dựng, với tình trạng tham nhũng, với sự chênh lệch giầu nghèo, với sự tàn phá môi trường như hiện nay thì dẫu cho có duy trì được mức phát triển như hiện nay (7 đến 8%/năm) thì còn lâu VN mới trả xong nợ, huống hồ gì dư tiền cho những nước khác vay ! Không biết các “đỉnh cao trí tuệ” của chúng ta có thấy không nhưng nếu ngồi nghe ông quan chức này phán chắc tôi đứt gân máu mà chết. Có cái tính từ gì diễn tả cho đằng sau những lời lẽ hoa mỹ này không. Có, đó là chữ NHỤC.
Cuộc sống thường nhật.
Bỏ qua những gì tráng lệ của hội nghị các nhà tài trợ (đúng ra là các chủ nợ), chúng ta trở lại với những gì xảy ra hàng ngày chung quanh :
Chuyện vịt nhồi bánh đúc : Con đê ven sông Hồng mà ngày nào tôi cũng đi qua vốn là nơi bà con các tỉnh mang hàng lên Hà Nội bán. Trong các thứ hàng mang lên bao giờ cũng có gà vịt. Tôi nhớ thường có cảnh những xe đạp chở vịt đang đi bỗng dừng lại. Một ít bánh đúc được lôi ra.
Người ta dang rộng mỏ vịt để nhồi mớ bánh đúc ấy vào cho chúng thật đầy diều, nhồi cho đến "lòi tù và" mới thôi. Rồi sang chợ Long Biên cân kẹo với nhau, số cân mỗi con vịt sẽ gồm cả cái đống bánh đúc mới tọng đầy diều đó. Không ai có thể chối cãi đây là một thứ thói hư tật xấu của người Việt. Trong cái hành động nhồi bánh đúc cho vịt có thể đọc ra nếp sống tuỳ tiện, thói quen bừa phứa duy trì bao đời trong lối làm ăn nhỏ. Nghiêm khắc với nhau hơn, phải gọi đây là sự gian manh. Nhân danh đói khổ người ta cho phép mình làm bất cứ việc gì miễn thấy cần. Tức là gian manh một cách công khai, lại còn sẵn sàng cãi lấy được nữa. (Lao Động, 2/07)
Vào khoảng năm 90, chú tôi sống tại Paris có ra cửa hàng Vina Paris mua nửa ký tôm đông lạnh về ăn. Đang nhá ngon miệng thì ông kêu oai oái và rút ra trong miệng một cục chì nhỏ. Người ta nhét vào đầu tôm để nặng ký. Không biết nếu khách hàng là người Pháp thì họ sẽ nghĩ gì về cung cách làm ăn của dân mình ? Mà nói cho cùng chuyện cân thiếu đã là một cái gì nó lậm sâu trong máu người mình rồi, chả ai thấy nó là “bôi bác” cả, nếu không thì tại sao ở mọi chợ đều có vụ cân đối chứng (cân mẫu, để trong phòng ban quản lý chợ, dành cho bà con kiểm lại trọng lượng).
Chuyện việt kiều : Người lao động chân tay đã đành, ngay cả các du sinh VN cũng để lại những gì không tốt trong mắt người bản xứ. Thế nên mới có chuyện nhiều người sang Singapore đã chết đứng nửa người khi thấy tấm biển đề chữ :”Đi vệ sinh xong nhớ xả nước”, viết rõ ràng, và bằng tiếng Việt…Cũng tại đất nước sư tử, một SV nước ngoài đã nói với người bạn VN trong làng đại học: “Mày thấy đám người kia không ? Tao dám cá với mày đó là người VN”. Người bạn đến từ “xứ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh” mắt còn chưa nhìn ra đó là ai mới ngạc nhiên :”Sao mày biết ?”. “- Dễ quá, vì chúng mày đi đâu cũng ồn ào và xả rác”. Rồi trong một chuyến du lịch tour sang Bangkok, phần lớn đều là những người có của ăn của để. Trong buổi ăn tự chọn, họ đã vơ vét, cào cấu, lấy cho nhiều, cho cố rồi cuối cùng vứt bỏ ngổn ngang. Nhìn vào ánh mắt của những người bồi bàn Thái mà tôi muốn tìm một chỗ chui xuống cho xong. Nhục quá.
Chuyện xả rác : Tưởng gì chứ chuyện này quá thường. Khoan ! chuyện này thường nhưng bài viết này (Tuổi Trẻ, 7/2008) hơi khác thường :
Tôi là người Pháp nhưng chẳng bao giờ dám khẳng định Paris chỉ toàn những khung cảnh đẹp lung linh như thiên đường, mà cũng như bất kỳ nơi đâu Paris vẫn còn đó khá nhiều khu vực đầy rác và bụi bặm. Nhưng nhìn chung những thành phố của Pháp sạch hơn những thành phố ở VN nhiều. Tại sao và do đâu?
(…) điều quan trọng nhất, theo tôi, là do sự giáo dục về vệ sinh môi trường tại VN chưa được quan tâm đúng mức. Người ta có thể đặt thêm nhiều thùng rác ở VN, nhưng điều đó chưa chắc sẽ đồng nghĩa với việc giải quyết được nạn xả rác bừa bãi. Tôi đã từng thấy rất nhiều người Việt thản nhiên ném bao, ly nhựa xuống đất khi đang đi đường, hoặc những tốp thanh niên đi picnic cứ vô tư để lại trên đất cơ man là khăn trải, đĩa, bịch nilông... dẫu thùng rác được đặt kế bên!
Liệu có bao nhiêu người trong số những người xả rác ấy biết được phải mất cả hàng ngàn năm để những vật dụng bằng nhựa bị phân hủy và hậu quả của nó lớn như thế nào? Tôi tin chắc nhiều người trong các bạn nghĩ môi trường sống xung quanh là “của chung” chứ đâu phải “của riêng”, vì vậy thật vô lý và rất khó để đòi hỏi các bạn phải hết sức gìn giữ. Quan niệm như vậy là thiển cận và ích kỷ.
Tôi mong mọi người hãy gạt bỏ suy nghĩ ấy qua một bên và biết quan tâm hơn tới lợi ích chung, nhất là về mặt môi trường - điều mà giới trẻ phương Tây của chúng tôi đã được giáo dục và chỉ bảo rất rõ từ nhỏ. (Roméo Dimier Degrange).
Không biết mọi người nghĩ sao nhưng cái câu cuối cùng của cậu Roméo này đã làm tôi co thắt ruột đi được.
Trở lại với những thói hư tật xấu của người Việt mà báo Tiền Phong đã tạo ra một diễn đàn rất sôi nổi cách đây 3 năm, xin mời mọi người nghe ý kiến của một độc giả Hà Nội tên Nguyễn Tất Thịnh. Anh đã liệt kê những phong cách, hành vi, tập tính của người (Việt) chung quanh như sau
1. Nguồn gốc: tiểu nông – mục tiêu cuộc đời : tiểu chủ – hành vi: tiểu xảo – làm ăn : tiểu thương – suy nghĩ : tiểu trí.
2. Tình cảm không dào dạt hơn cái ao làng– nhìn quá ngọn tre là chóng mặt– chỉ uống nước giếng khơi mới không đau bụng – Một ngày không ăn mắm tôm không chịu được – Phát minh là cải tiến xe công nông- Ý nghĩa cuộc đời là ăn miếng dồi chó- Mong ước lớn nhất là hơn người – Sợ nhất là chết không toàn thây.
3. Nếp sinh hoạt của những người như họ? Một người thì trùm chăn ngủ– nếu hai người thì tổ chức nấu nướng– ba người thì nói xấu người khác– bốn người trở lên thì chia bè kéo cánh.
4. Hễ chỉ có một thì có khi không rơi xuống hố, hai người thì đào hố bẫy người, có ba người đi với nhau thì có thể hơn một người sẽ rơi xuống hố do chính họ đào.
5. Ham học nhưng để làm quan chứ không nhằm cải tạo cuộc sống.
6. Con chấy cắn đôi khi nghèo khổ, nhưng chỉ mong con lợn nhà hàng xóm lăn ra chết.
7. Đánh nhau kiểu hội đồng từ sau lưng mà không dám đối mặt trên đấu trường.
8. Trong diễn đàn thì ngậm miệng, nhưng bàn nát chuyện ngoài quán nước.
9. Bao nhiêu tinh lực dành cho sự lẩn lách để tồn tại– bởi vậy ưa những hình thức phi chính thống làm ăn.
10.Đi đến đâu cũng lập chợ quê mà không thể tính chuyện làm ăn lớn.
11.Hay nói tình nghĩa nhưng dễ đánh nhau vỡ đầu vì món lợi nhỏ.
12.Nói năng cởi gan cởi ruột nhưng phong cách sống rất khép kín.
13.Cười hinh hích để tự thưởng cho ý nghĩ của mình hơn là cười tươi với cái hay của người khác– Sướt mướt với cái thua thiệt của mình để hằn học với niềm vui của người khác.
14.Coi cái gì cũng là nhỏ mà bỏ qua trong khi không định nghĩa được cái lớn là gì. Việc lớn thì kinh, việc nhỏ thì khinh, việc bình thường thì không thích.
15.Có nhiều sáng kiến nhỏ nhưng không có khả năng biến những cái đó thành hàng hóa cạnh tranh.
16.Vừa sùng ngoại vừa bài ngoại.
17.Có khuynh hướng bới thù trong bạn hơn là tìm bạn trong thù.
18.Rất khó dung nạp và đồng thuận với sự khác biệt.
19.Rất “tinh tướng” vì không biết mình biết người.
20.Luôn nghi ngờ, không phải để nhận thức lại thế giới mà chẳng thực tin vào cái gì.
* * *
Trong suốt bài viết này, chúng tôi đã trích đoạn một số ý kiến và thấy có một điểm chung là chẳng một ai, cho dù là người Việt hay người ngoại quốc đã dùng đến tính từ NHỤC nhưng đọc đến đâu lại thấy xót xa đến đấy. Xót vì quá đau và quá đúng.
Theo tôi nghĩ chỉ cần nói đến 1 trong 20 tật xấu của bạn Nguyễn Tất Thịnh trong một buổi họp nào đó (chứ không phải trên diễn đàn Tiền Phong), người ta dễ dàng bị chụp cho cái mũ “nói xấu dân tộc”, thậm chí là phản quốc không chừng. Vậy thì toàn câu nói của TGM Kiệt trong ngày 19/9 xem ra còn nhẹ hơn rất nhiều thế mà đảng phải huy động cả một bộ máy truyền thông công thêm một đám bồi bút tấn công ông ta ? Tại sao ?
Đơn giản quá, ngoại quốc nó khinh rẻ mình chẳng qua là vì nó khinh rẻ tập đoàn lãnh đạo VN, những kẻ đã từng tự phong là “đỉnh cao trí tuệ”, nhưng rặt những phường tham nhũng, thối nát, một chế độ phản dân chủ và vi phạm nhân quyền trầm trọng. Tập đoàn ấy cho dù không hiện diện trong phiên họp cũng đã nhận ra rằng câu nói của TGM Kiệt đó là những lời tố cáo trực tiếp họ nên đã vin vào câu “chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu VN” để trừng phạt ông ta, thế thôi.
Cầu xin cho giáo dân Thái Hà cũng như TGM Kiệt vững lòng trong công cuộc giải trừ mối nhục cho cả dân tộc, vì trong ngày 19/9 ông đã nói thay cho chúng tôi.
Sàigòn, 24/9/2008
Phan-Kiến-Quốc.
No comments:
Post a Comment